Homo-sapiens-4774-1700656768.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Olt0f_pg37-czO7FcQxpVg

Minh họa Homo sapiens hay loài người hiện đại. Ảnh: Science Picture Co/Alamy

300.000 năm trước, khoảng thời gian ngắn nếu xét theo lịch sử tiến hóa, có ít nhất 9 loài người dạo bước trên Trái Đất. Nhưng khoảng 40.000 năm trước cho đến nay, chỉ duy nhất người hiện đại, hay người tinh khôn (Homo sapiens) còn tồn tại. Điều này đặt ra một trong những câu hỏi lớn nhất lịch sử tiến hóa của nhân loại: Những loài người khác đã đi đâu? Có nhiều giả thuyết xung quanh việc các họ hàng của người hiện đại biến mất và những nghiên cứu gần đây đang cung cấp những manh mối thú vị, Guardian hôm 20/11 đưa tin.

Khoảng 300.000 năm trước, quần thể H. sapiens đầu tiên xuất hiện ở châu Phi. Họ trông không giống người ngày nay, nhưng giống hơn so với các loài khác. Họ cũng có cằm, điều mà không loài người nào khác có được (dù giới chuyên gia chưa rõ tại sao chỉ H. sapiens sở hữu phần nhô ra này).

Thời điểm người tinh khôn di chuyển ra khỏi châu Phi cũng gây tranh cãi. Bằng chứng gene cho thấy có một cuộc di cư lớn khỏi lục địa cách đây khoảng 80.000 - 60.000 năm. Nhưng đó không phải là chuyến đi đầu tiên. Các nhà khoa học tìm thấy một hộp sọ H. sapiens ở Apidima, Hy Lạp, với niên đại ít nhất 210.000 năm.

Một lợi thế quan trọng của H. sapiens có vẻ là kích thước quần thể. Từ bộ gene của người Neanderthal và Denisova, các nhà nghiên cứu suy luận rằng họ sống thành từng nhóm nhỏ và thường xuyên lai giống.

"Người Neanderthal và người Denisova có kích thước quần thể nhỏ nên sự lai giống giữa họ diễn ra nhiều hơn và bằng chứng gene thể hiện điều đó", giáo sư Eleanor Scerri tại Viện Địa nhân học Max Planck (Đức) cho biết. Việc thiếu đa dạng di truyền sẽ khiến những quần thể này dễ mắc bệnh hơn, dẫn đến khả năng sinh tồn kém hơn.

Trong khi đó, H. sapiens có các nhóm lớn hơn và tính đa dạng di truyền cao hơn. "Ở H. sapiens, chúng tôi thấy các mạng lưới xã hội lớn hơn, trải rộng trên phạm vi lớn hơn. Mạng lưới rộng lớn sẽ cung cấp một dạng 'bảo hiểm', vì nếu bạn có quan hệ với những người ở xa, khi xảy ra khủng hoảng môi trường như cạn kiệt thức ăn hoặc nước uống, bạn có thể chuyển đến môi trường của họ. Họ không phải kẻ thù mà là họ hàng của bạn", Chris Stringer, giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, giải thích.

Ông cho biết thêm, các mạng lưới xã hội cũng giúp người tinh khôn trao đổi ý tưởng và kỹ thuật, công cụ mới. Khả năng phục hồi xã hội này có thể đã giúp họ sống sót qua những sự thay đổi khí hậu từng giết chết những cá thể và loài thích nghi kém hơn.

Nguoi-duy-nhat-7971-1700656768.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wSZ_IVWaVJHxfdESpMT_sA

Gương mặt phục dựng của một người đàn ông Neanderthal. Ảnh: Cícero Moraes

Stringer tin rằng nhiều lợi thế đã giúp H. sapiens vượt trội hơn những họ hàng khác, ví dụ, khả năng dệt hoặc khâu vá. "Khi biết dệt, bạn có thể làm giỏ hoặc lưới. Kim khâu thì giúp bạn bịt kín vật liệu tốt hơn, từ đó có những chiếc lều cách nhiệt tốt hơn và có thể giữ ấm cho trẻ sơ sinh", ông nói. Mạng lưới xã hội lớn cũng giúp H. sapiens chia sẻ những kỹ thuật này một cách rộng rãi.

Một khả năng khác là H. sapiens đã đồng hóa các họ hàng vào vốn gene. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng di truyền về điều này, dù việc đây có phải là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các loài khác hay không vẫn còn gây tranh cãi. Ví dụ, một số người hiện đại sống ở lục địa Á - Âu có 2% ADN của người Neanderthal. Trong khi đó, một số nhóm sống ở châu Đại Dương có 2% - 4% ADN của người Denisova.

Có thể loài người tinh khôn tồn tại đến nay phần lớn nhờ hành vi và sự may mắn. Điều này hiện vẫn cần thiết để ứng phó với những thách thức trước mắt. "Mạng lưới xã hội rất quan trọng, khả năng thích ứng với thay đổi cũng rất quan trọng. Đó chắc chắn là điều mà tất cả chúng ta sẽ gặp phải với biến đổi khí hậu. Nhân loại sẽ đối mặt với việc hợp tác trước những cuộc khủng hoảng đó, hoặc cạnh tranh. Và điều chúng ta thấy từ người Neanderthal và H. sapiens là nhóm hợp tác tốt hơn sẽ vượt qua được", Stringer nói.

Thu Thảo (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022