Startup công nghệ chuyên về blockchain Orochi Network vừa gọi thành công 12 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu có thể kiểm chứng (Verifiable Data Infrastructure) nhằm cải thiện quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu trong hệ sinh thái Web3. Nguồn vốn mới cũng được startup đẩy mạnh hoàn thiện nền tảng công nghệ Chứng minh Phi Kiến thức (Zero-Knowledge Proofs - ZKPs), các sản phẩm này xác minh tính chính xác của dữ liệu mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Đặc biệt là nhóm tài sản mã hoá gắn với thế giới thực (Real World Asset - RWA).

Theo bà Trần Kiều Diễm, CEO Orochi Network, tài sản số nói chung và tài sản gắn với thế giới thực nói riêng chỉ có thể phát triển bền vững khi được xác minh trên một hệ thống công nghệ minh bạch, bảo mật và không thể can thiệp. "Trong khi hành lang pháp lý đang từng bước hình thành, công nghệ xác minh dữ liệu là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm triển khai, đồng thời tạo nền tảng để nhà đầu tư đặt niềm tin", bà nói.

loch6330-1745314077-1745314273-5311-1745314379.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YmrmZ6W94p5625Jf6RUtBw

Bà Trần Kiều Diễm, Đồng sáng lập và CEO Orochi Network. Ảnh: Orochi

Orochi Network hiện là một trong số ít startup tại Việt Nam chuyên nghiên cứu công nghệ xác minh dữ liệu phi tập trung. Nền tảng mà công ty phát triển - zkDatabase là hệ thống cho phép xác minh dữ liệu dựa trên các công nghệ mật mã tiên tiến mà không cần bên thứ ba. Tất cả quá trình xác minh dữ liệu được bảo đảm không thể bị sửa đổi, ngay cả bởi chính đơn vị phát triển. Giải pháp này đã được triển khai trên hơn 50 blockchain toàn cầu, trong đó có Lumia và Plume - hai nền tảng RWA nổi bật tại Mỹ.

Định hướng của Orochi là xây dựng lớp hạ tầng công nghệ cho thị trường tài sản số tại Việt Nam, tương tự vai trò của chữ ký số trong hành trình số hoá hơn một thập kỷ trước. "Nếu pháp lý là phần khung, thì công nghệ là nền móng để các tài sản số có thể tồn tại hợp lệ và an toàn", bà Diễm nói thêm.

loch9742-1745314077-1745314287-7264-1745314380.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E7aSeF6b4IC2pZ-1TCAqSg

Lập trình viên Orochi Network làm trong lĩnh vực blockchain. Ảnh: Orochi

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của tài sản số. Theo dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Cổng thanh toán Triple-A cho biết Việt Nam có đến 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023), theo Chainalysis.

Ở thị trường quốc tế, tài sản mã hoá cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh. Báo cáo của Mordor Intelligence dự báo quy mô thị trường toàn cầu đạt 2.080 tỷ USD vào năm 2025 và có thể chạm mốc 13.550 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 45,46%.

Sự mở rộng nhanh của thị trường đi kèm với nhiều thách thức về pháp lý, bảo mật và niềm tin người dùng. Gần đây, quỹ BUILD do BlackRock quản lý đã thu hút hơn 295 triệu USD đầu tư, với trọng tâm là củng cố tính xác thực và minh bạch cho tài sản mã hoá - minh chứng cho nhu cầu xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc.

"Muốn thị trường RWA phát triển, không thể thiếu các lớp xác minh bảo vệ dữ liệu khách hàng và đảm bảo tuân thủ pháp lý. Đó là lý do chúng tôi chọn đi từ công nghệ lõi", bà Diễm khẳng định.

Thái Anh

Tuần lễ Công nghệ chuỗi khối và Trí tuệ nhân tạo Super Vietnam 2025 là sự kiện do Orochi Network phối hợp cùng FPT Online và DSAC đồng tổ chức, VnExpress là đơn vị bảo trợ truyền thông. Hội nghị diễn ra ngày 4-5/6 tại TP Đà Nẵng. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 5.000 người, bao gồm lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ, lập trình viên và cộng đồng khởi nghiệp, dưới chủ đề "Hợp lực sáng tạo - Định hướng tương lai".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022