Minh họa Napoleon đứng trước tượng nhân sư. Ảnh: Jean-Léon Gérôme
Trong chuyến xâm lược Ai Cập vào tháng 7/1798, Napoleon Bonaparte không chỉ mang theo hàng vạn quân lính mà còn tuyển hơn 150 học giả và nhà khoa học đi cùng. Napoleon muốn những nhà khoa học này tập trung vào các dự án có thể mang lại lợi ích cho Pháp như lọc nước từ sông Nile, sản xuất bia không cần hoa bia và lò nướng bánh mì chất lượng tốt hơn.
Một năm sau, ông bí mật trở về Pháp để thực hiện cuộc đảo chính và giành quyền lực, bỏ lại nhóm nhà thông thái và 30.000 quân của mình ở Ai Cập. Họ ở lại cho đến khi thất bại và phải rút lui vào năm 1801. Trong khi binh lính chiến đấu, các nhà khoa học lại bận rộn tiến hành những chuyến khảo sát khảo cổ.
Nhiều người giàu trong thế kỷ 18 sưu tầm cổ vật như một thú vui mà không thực sự hiểu công dụng hay ý nghĩa của chúng. Các nhà khoa học của Napoleon khám phá Ai Cập với góc độ khoa học hơn.
Thời đó, nhiều người châu Âu đã nghe nói đến kim tự tháp hay tượng nhân sư, nhưng những ngôi đền và di tích cổ xưa ở Thượng Ai Cập vẫn chưa được biết đến. Dominique-Vivant Denon, một nghệ sĩ kiêm nhà văn, đã cùng binh lính của Napoleon đi dọc theo sông Nile. Ông trình bày lại việc đi vòng qua một khúc sông và bất ngờ nhìn thấy những ngôi đền cổ Karnak và Luxor vươn lên từ tàn tích của Thebes. "Toàn bộ đội quân, đột ngột và đồng lòng, đều sửng sốt và vỗ tay phấn khích", ông viết.
Bản vẽ đền Edfu của Dominique-Vivant Denon. Ảnh: Art Media/Print Collector
Denon trở về Pháp cùng Napoleon và nhanh chóng xuất bản cuốn sách Travels in Upper and Lower Egypt (Những chuyến đi ở Thượng và Hạ Ai Cập) kèm theo mô tả và hình vẽ. Ông cũng khuyến nghị cử thêm nhiều nhà khoa học đến sông Nile để ghi chép về các di tích chi tiết hơn. Napoleon chấp thuận và hai nhóm nghiên cứu mới đã đến Ai Cập để thực hiện nhiệm vụ khảo cổ vào tháng 9/1799.
Nhóm kiến trúc sư và kỹ sư trẻ đã vẽ và đo đạc rất nhiều công trình kiến trúc cổ. Tất cả những khảo sát này được xuất bản trong La Description de l'Egypte, một bộ sách nhiều tập gồm bản đồ, hàng trăm bức khắc bằng đồng cùng nhiều bài mô tả những gì họ tìm hiểu được về Ai Cập. Bộ sách chia Ai Cập thành thời cổ đại và hiện đại, đồng thời đưa ra góc nhìn hiện đại về Ai Cập cổ đại như giới khoa học biết ngày nay.
La Description de l'Egypte cực kỳ nổi tiếng. Các kiến trúc, biểu tượng và hình ảnh của Ai Cập cổ đại thậm chí trở thành điểm nhấn thời thượng trong nghệ thuật và kiến trúc châu Âu.
Nhờ những chuyến khám phá của nhóm nhà khoa học thời Napoleon, niềm đam mê của người châu Âu với Ai Cập cổ đại tăng lên, dẫn đến sự xuất hiện của các bảo tàng khảo cổ tại châu lục này, khởi đầu với việc Louvre mở cửa bảo tàng Ai Cập đầu tiên vào năm 1827.
Cuối cùng, niềm đam mê này giúp ngành Ai Cập học (Egyptology), ngành có sức ảnh hưởng lớn đến khảo cổ học hiện đại, ra đời. "Các học giả và kỹ sư của Napoleon được nhớ đến nhiều nhất như những người giúp khảo cổ trở thành một ngành khoa học", tác giả Nina Burleigh viết trong cuốn sách Mirage.
Thu Thảo (Theo Business Insider)