Trong một tuyên bố hôm 24/1, Tổng giám đốc NASA Bill Nelson cho biết với sự trợ giúp của tên lửa mới này, các phi hành gia có thể di chuyển đến và đi từ không gian sâu nhanh hơn bao giờ hết, một khả năng quan trọng để chuẩn bị cho các nhiệm vụ đổ bộ sao Hỏa.

Theo thỏa thuận giữa NASA và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), việc phát triển và trình diễn công nghệ đẩy nhiệt hạt nhân tiên tiến sẽ diễn ra ngay sau năm 2027.

"NASA có lịch sử hợp tác lâu dài với DARPA. Mở rộng quan hệ đối tác sang động cơ đẩy hạt nhân sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu đưa con người lên hành tinh đỏ", Phó Giám đốc NASA Pam Melroy nhấn mạnh.

ten-lua-hat-nhan-nasa-8223-1674616744.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pJbcsJ8v7uy-SJLKwZ6jGA

Mô phỏng tên lửa sử dụng động cơ đẩy hạt nhân. Ảnh: DARPA

Trong động cơ nhiệt hạt nhân, lò phản ứng phân hạch được sử dụng để tạo ra nhiệt độ cực cao. Nhiệt từ lò phản ứng sau đó truyền tới nhiên liệu lỏng, thứ được chuyển thành khí, giãn nở qua một vòi dẫn và cung cấp lực đẩy cho tên lửa.

NASA cho biết tên lửa nhiệt hạch có thể hiệu quả gấp ba lần hoặc hơn so với động cơ đẩy hóa học thông thường và sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa nhiệt hạch cuối cùng cách đây hơn 50 năm nhưng chương trình này đã bị hủy bỏ do cắt giảm ngân sách và căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh.

Đưa con người lên sao Hỏa là một trong những mục tiêu chính không chỉ của NASA mà còn với các công ty vũ trụ tư nhân. NASA muốn tận dụng những gì học được từ chương trình Mặt Trăng Artemis để hướng tới việc thiết lập sự hiện diện của con người trên hành tinh đỏ. Trong khi đó, SpaceX của Elon Musk cũng sắp thử nghiệm chuyến bay quỹ đạo đầu tiên của Starship, phương tiện mà công ty dự định cuối cùng sẽ đưa con người hạ cánh xuống sao Hỏa.

Đoàn Dương (Theo AFP/Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022