Người dân tự do tìm kiếm kim cương ở công viên Crater of Diamonds. Ảnh: Wikipedia
Nằm ở Murfreesboro, Arkansas, công viên Crater Of Diamonds đem đến cơ hội độc nhất vô nhị cho mọi người bởi đây là mỏ kim cương duy nhất trên thế giới mà công chúng có thể tiếp cận, theo IFL Science. Câu chuyện về nó bắt đầu khoảng 3 tỷ năm trước khi nhiệt và áp suất khổng lồ từ hoạt động địa chất và núi lửa tạo ra kim cương ở sâu bên dưới bề mặt Trái Đất. Kim cương có thể bị đẩy lên mặt đất khi di chuyển theo lớp đá nóng chảy gọi là kimberlite. Điều này xảy ra ở khu vực ngày nay là công viên Crater Of Diamonds khi một mạch núi lửa gọi là ống dăm kết núi lửa Prairie Creek hình thành.
Ống dăm kết là một loại ống núi lửa gắn liền với những vụ nổ khí gas, ra đời khi các điểm yếu xuất hiện ở vỏ Trái Đất trong quá trình dịch chuyển, phân tán, tách rời do chuyển động của mảng kiến tạo khiến lục địa vỡ ra và đâm vào nhau. Khi ống dăm kết Prairie Creek nhô lên, nó để lại miệng hố rộng 34 hecta chứa đầy kim cương. Tuy nhiên, theo Atlas Obscura, mãi tới đầu thế kỷ 20, tiềm năng tìm thấy kim cương ở đây mới được phát hiện bởi một người đàn ông kiếm củ cải.
Năm 1906, John Wesley Huddleston đào được hai viên đá kỳ lạ trên cánh đồng củ cải của ông. Độ cứng của viên đá khi đặt dưới dụng cụ nghiền khiến Huddleston nhận ra chúng rất đặc biệt. Ông quyết định đem chúng đi đánh giá. Về sau, Huddleston được mệnh danh là "Vua kim cương" nhờ phát hiện. Ngày nay, công viên Crater of Diamonds là mỏ kim cương mà người dân có thể tiếp cận công khai.
Các du khách đã tìm thấy tổng cộng hơn 35.000 viên kim cương từ khi Crater of Diamonds trở thành công viên của bang Arkansas năm 1972. Đáng chú ý nhất là các viên Uncle Sam (40,23 carat), viên kim cương lớn nhất từng được đào ở Mỹ, Amarillo Starlight (16,37 carat), Star of Arkansas (15,33 carat) và Esperanza (8,52 carat). Hồi tháng 9/2023, một bé gái 7 tuổi tìm thấy viên kim cương nâu 2,95 carat vào đúng ngày sinh nhật. Người dân được phép tự mang dụng cụ đào kim cương tới công viên, ngoại trừ dụng cụ sử dụng pin hoặc chạy bằng motor.
An Khang (Theo IFL Science)