VNE-Plane-1132-1710231507.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rsJDh81y45DvpjH1hbITrA

Hệ thống dù Cirrus Airframe giúp máy bay hạ thấp độ cao ở tư thế thăng bằng và tiếp đất an toàn. Ảnh: Smithsonian Magazine

Hệ thống dù Cirrus Airframe (CAPS) của công ty Mỹ Cirrus Aircraft đã góp phần thay đổi thay đổi việc di chuyển bằng máy bay nhỏ, theo Simple Flying. Ý tưởng sử dụng dù cho cả máy bay đã tồn tại từ những ngày đầu của ngành hàng không với nhiều nỗ lực thiết kế, dù chưa có sản phẩm nào chứng minh được độ thiết thực hoặc hiệu quả.

Hồi tháng 3/2023, trong một tai nạn nghiêm trọng, CAPS đã cứu mạng 6 người trên máy bay Cirrus SR22, bao gồm một em bé 3 tuổi và một bé sơ sinh. Không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Pampulha ở Brazil, máy bay bị hỏng động cơ. Nhận thấy tầm chao liệng không đủ để quay trở lại sân bay, phi công quyết định triển khai CAPS. Kết quả là SR22 bay bằng dù trong không trung và tiếp đất an toàn mà không có hành khách nào bị thương.

Trước đó năm 1982, công ty Ballistic Recovery Systems (BRS) tạo ra đột phá khi bắt tay vào sản xuất dù cho máy bay siêu nhẹ. Theo Cirrus Aircraft, cột mốc quan trọng diễn ra vào năm 1993 khi BRS phát triển một hệ thống dù chuyên dụng dành cho máy bay Cessna 150/152. Tuy nhiên, hệ thống mở rộng này rất đắt đỏ, nặng nề và chiếm nhiều diện tích để hành lý. Là kết quả hợp tác giữa Cirrus Aircraft và BRS vào thập niên 1990, CAPS đem đến thay đổi lớn về độ an toàn. CAPS là một lưới an toàn tích hợp được thiết kế để triển khai trong tình huống khẩn cấp mà các phương pháp truyền thống có thể không phù hợp.

Hệ thống dù CAPS bao trùm toàn bộ khung máy bay, chuyên dùng cho dòng máy bay hạng nhẹ như SR20, SR22, và Vision SF50. CAPS được cấp phép bởi Cục quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào tháng 10/1998. Cho tới nay, đây vẫn là dù đạn đạo đầu tiên và duy nhất được sử dụng như trang bị tiêu chuẩn trên máy bay.

Khi gặp trục trặc động cơ hoặc đối mặt với thách thức bất ngờ trong chuyến bay, phi công có thể kích hoạt hệ thống dù một cách đơn giản bằng cách kéo cần điều khiển trong buồng lái. Hành động này sẽ kích hoạt tên lửa đẩy dù bung ra giữa không trung, kéo theo toàn bộ máy bay. Hệ thống dù bung ra có kiểm soát, đảm bảo máy bay bay thấp dần với hai cánh thăng bằng, cuối cùng đậu an toàn trên mặt đất hoặc mặt nước. Trang bị an toàn này thu hút nhiều sự chú ý nhờ khả năng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các trường hợp khẩn cấp. Theo New York Post, CAPS đã cứu sống 249 người.

An Khang (Theo Simple Flying)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022