VNE-Roman-5290-1686113260.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Tdx8HjeKd5ZMEAmL4PR2JQ

Nhà nghiên cứu quét 3D hài cốt phủ thạch cao trong quan tài. Ảnh: Đại học York

Người La Mã cổ đại đổ một dạng thạch cao lỏng vào quan tài, phủ kín thi thể người chết và để hợp chất cứng lại. Điều này tạo ra một khoảng rỗng, trong đó hình dáng, kích thước và tư thế nguyên bản của người chết được bảo quản hoàn hảo như đúc. Nhóm nghiên cứu cho biết những ngôi mộ thạch cao La Mã có ở khắp châu Âu và Bắc Phi, nhưng đặc biệt phổ biến ở Anh với ít nhất 45 trường hợp được ghi nhận.

Trong nghiên cứu công bố hôm 3/6 tại sự kiện York Festival of Ideas, các nhà khoa học ở Đại học York thu thập ảnh quét 3D của 16 ngôi mộ thạch cao. Loại mộ này thường chỉ chứa một người mỗi quan tài. Nhưng kết quả chụp hé lộ một quan tài thạch cao chứa hài cốt của gia đình hai người lớn và một trẻ sơ sinh chết cùng lúc.

"Ảnh chụp 3D cho phép chúng tôi chứng kiến một bi kịch gia đình gần 2.000 năm sau khi sự việc xảy ra", giáo sư Maureen Carroll, trưởng khoa khảo cổ La Mã ở Đại học York, cho biết. "Đường nét của 3 cá nhân dưới lớp thạch cao có thể nhìn rõ bằng mắt thường, nhưng rất khó xác định quan hệ của những người chết và phát hiện họ được phục sức hoặc bọc như thế nào. Mô hình 3D giúp làm rõ các điểm mơ hồ này".

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích kỹ hơn để tìm hiểu tuổi tác, giới tính, chế độ ăn, thậm chí nguồn gốc địa lý của các thành viên gia đình trong mộ. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ không thể hé lộ tại sao người La Mã áp dụng hình thức chôn cất như vậy, dù có vẻ không liên quan tới vị trí xã hội cao. Bất kể mục đích đổ thạch cao là gì, tập tục cực kỳ hữu ích với những nhà khảo cổ học muốn tìm hiểu khía cạnh đời sống của người chết.

"Thông qua công nghệ quét cao cấp, giới nghiên cứu có thể phân tích vật liệu khảo cổ để tìm chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt thường", Patrick Gibbs, giám đốc công nghệ của dự ánHeritage360, người làm việc với ảnh chụp kỹ thuật số, chia sẻ.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022