Người xưa có câu: "Ốc tháng Mười, người Hà Nội" để tôn vinh nét văn hóa ẩm thực của người thủ đô. Theo quan niệm dân gian, tháng Mười âm lịch là lúc người nông dân cắt lúa, nước cạn nên dễ dàng bắt ốc. Thời điểm này cũng là lúc thịt ốc béo nhất, thịt giòn sật thơm ngon, không như ốc mùa hè thịt gầy hơn. Tháng Chín, tháng Mười âm lịch cũng là thời điểm đất trời sang thu, nắng oi gắt không còn, nhường chỗ cho những ngày heo may, se lạnh, rất thích hợp để quây quần bên những quán ốc vỉa hè, hít hà hương thơm của lá chanh, của sả.
Món ốc nóng là best seller ở quán.
Những năm gần đây, người Hà Nội dần quen với những kiểu chế biến ốc Hải Phòng, ốc Sài Gòn với vô vàn hương vị xào nấu như rang me, xào dừa, rang trứng muối "ngon nhức nách". Nhưng vẫn có những thực khách ưa hương vị truyền thống giản dị của những bát ốc mít hấp lá chanh trong các quán đặc trưng Hà Nội. Ngay cả thực khách phương Nam ra thủ đô cũng thường muốn ăn thử kiểu chế biến chân phương nhưng rất tinh tế của ẩm thực Hà thành.
Mùa này, các quán ốc trên phố đông "khỏi phải bàn". Những tên tuổi lớn như ốc Đinh Liệt, ốc Tống Duy Tân, ốc Hàng Bạc, ốc Hàng Lược, ốc Hồng Hà, ốc Cửa Bắc đều đông khách xếp hàng từ giữa giờ quà chiều đến tận tối muộn. Dân cư quanh khu tập thể nhà binh 34A Trần Phú (khu tập thể Bộ Quốc phòng) cũng quen với cảnh đông đúc ở quán ốc trên phố Tôn Thất Thiệp.
Con phố nhỏ nằm trong khu tập thể cũ, khách muốn ăn để xe bên đường, sau đó đi bộ sang quán. Quán có không gian chật hẹp và cũ, khách tới muộn phải ngồi ngoài vỉa hè cũng không rộng rãi. Khách ngồi trong nhà cũng phải chia nhau khoảng không gian nhỏ nên không thoải mái. Khách cũng hiếm khi có chỗ ngồi ngay mà thường phải đợi một lúc để chủ quán xếp chỗ.
Thực đơn chỉ gồm có vài món quen giống các quán ốc truyền thống như ốc hấp chanh sả, ngao hấp dứa, ăn kèm có xoài dầm, nem chua rán, bánh bột lọc, trứng cút xào me và khoai chiên bơ tỏi. Ốc ở quán được chọn lọc kỹ nên chất lượng đồng đều, ốc to ngon, dai dai. Nước chấm ốc pha chua cay mặn ngọt hài hòa, khách muốn ăn đậm đà hơn phải cho thêm gừng, sả ớt và lá chanh thái nhỏ để dậy vị. Món chủ đạo thứ hai mà hầu như khách nào tới quán cũng gọi là ngao hấp cùng sả và dứa. Bát ngao bốc khói nghi ngút, quyện với mùi thơm của sả và dứa khiến ít ai có thể cầm lòng không gọi ăn thử.
Quán ghi điểm còn có các món ăn kèm là khoai chiên bơ tỏi, xoài dầm và nem chua rán. Những quán ốc truyền thống không có những món này mà chỉ được thêm vào thời gian gần đây để phù hợp với khẩu vị của khách trẻ. Khoai chiên bơ tỏi được làm theo khẩu vị miền Nam, vị ngọt khá rõ. Khoai nóng, bùi bùi, chiên cùng bơ đường nên có lớp vỏ hơi keo keo, quyện với vị tỏi thơm, vị bơ ngậy ngậy, ăn mãi không dừng.
Xoài ngâm mắm cũng được làm thiên vị ngọt. Xoài chua thái lát mỏng, ngâm với mắm đường, thêm chút gừng ớt cay cay, ăn cùng các món còn lại khá hợp, không bị ngấy. Tuy nhiên, hai món này dành cho người hảo ngọt, người Bắc ăn đôi khi không quen. Nem chua rán ăn ở mức ổn còn bánh bột lọc không ngon bằng quán khác.
Khoai chiên bơ tỏi được nhiều người yêu thích, tuy nhiên ai không ăn được ngọt thì có thể không thích.
Bên cạnh đó, quán cũng có một số điểm trừ như thái độ phục vụ hay chất lượng đồ ăn không đồng đều. Một số thực khách cho biết chủ quán và nhân viên không niềm nở, đôi khi hơi "khó ở" lúc giao tiếp với khách, đồ thi thoảng lên sai món. Chị Đặng Huyền (Thanh Xuân), một thực khách ăn đã ghé nhiều lần, cho biết, trước đây quán ăn khá ngon theo khẩu vị của chị, hiện tại có những ngày đồ ăn không ngon như mọi khi nhưng vẫn là lựa chọn của chị khi muốn tìm quán ốc trên phố. Còn về thái độ, chị đã quen với kiểu phục vụ này nên thấy bình thường nhưng với thực khách khó tính hoặc khách mới ghé lần đầu chắc sẽ thấy phản cảm, quán nên khắc phục điểm này.
Dù thi thoảng nhận bài review trên các hội nhóm, quán ốc vẫn rất đông khách, đặc biệt là vào lúc xế chiều những ngày mùa thu đông và đầu xuân, khi trời lành lạnh. Giá cả ở mức khá cao so với các quán bình dân khác, trung bình 100.000 đồng một người. Quán nằm trên phố Tôn Thất Thiệp nhưng gần với đầu Trần Phú hơn nên bạn có thể đi từ đường này cho gần.
Bài và ảnh: Hà Nguyên