Vốn không phải con phố ẩm thực nhưng nhờ sự quy tụ của nhiều tòa nhà văn phòng san sát nên phố Duy Tân cũng trở thành thiên đường ẩm thực của dân công sở Cầu Giấy. Đoạn phố chưa tới một km nhưng tập hợp đủ đặc sản ba miền, từ món chính tới ăn vặt. Không chỉ có số lượng phong phú, các quán ăn ở Duy Tân cũng khá nổi tiếng với các món bún đậu, bún ngan, phở cuốn, bánh tráng cuốn thịt heo, vịt nướng chất lượng, nhiều thực khách ở các khu phố lân cận cũng tìm tới tới đây thưởng thức.
Trong số các đặc sản ở Duy Tân, vịt nướng là một món được nhiều người yêu thích, đặc biệt là vào dịp cuối tháng, cuối năm. Nhiều người tin rằng món ăn này có thể "xả xui", xua đuổi những đen đủi năm cũ. Ngoài ra, vịt cũng có thể được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như vịt nướng, vịt luộc, lẩu vịt, canh măng tiết, ăn cùng bún, rau sống và chấm với nước mắm đặc biệt.
Quán vịt nướng Anh Hợp ở phố Duy Tân. Ảnh: Nguyên Chi
Giữa "tập đoàn" các quán vịt nướng, hai quán vịt nằm ở cuối ngõ 36 Duy Tân là đông khách hơn cả. Khách văn phòng ra vào tấp nập, đặc biệt là vào giờ ăn trưa. Chỉ cần đi ngang qua, bạn cũng có thể ngửi được mùi thịt thơm lừng, tỏa ra xung quanh như mời gọi. Quán đầu tiên là vịt nướng Anh Hợp nằm ở bên tay phải, thực khách sẽ ngồi ở khu vực sân chung của dân cư, bàn ghế nhựa thấp. Không gian khá thoáng đãng, rộng rãi hơn, bên cạnh là hàng trà đá, nhân trần giải khát. Quán thứ hai là vịt nướng Đức Anh nằm ở bên tay trái, có không gian trong nhà, bàn ghế cao, lịch sự hơn. Lượng khách của hai quán đều tấp nập như nhau, chất lượng cũng tương đương.
Nguyên liệu được cho là giống vịt cỏ Vân Đình trứ danh ở huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Vịt cỏ Vân Đình nhỏ con, lông cánh dài, màu nâu nhạt ánh màu kem, được chăn thả tự nhiên nên chậm lớn. Khi xuất chuồng (chéo cánh), mỗi con chỉ nặng dưới 1,5 kg, khác với các giống vịt khác đều nặng trên 2 kg. Bù lại, vịt cỏ Vân Đình ngọt thịt, chắc, đậm đà, ăn một lần nhớ mãi. Ban đầu, vịt cỏ Vân Đình chỉ được chế biến với hai món kinh điển là vịt luộc (hấp) và vịt nướng. Sau này, thực đơn được nối dài với các món vịt om sấu, cháo vịt, tiết canh việt, giả cầy vịt, lẩu vịt...
Tuy nhiên, để thẩm định độ ngon, thực khách sành ăn thường chọn vịt luộc và vịt nướng để cảm nhận rõ hương vị của thịt. Khâu đầu tiên không kém phần quan trọng là làm sạch và khử mùi để vịt không còn mùi hôi đặc trưng bằng cách tưới rượu hoặc xoa giấm khắp mình vịt. Với món vịt luộc, sau khi luộc xong phải xối nước lạnh ngay, để nguội mới chặt để vịt trắng, không bị xuống màu, mất ngon. Vịt luộc chấm với nước mắm gừng là "ngon hết sảy", thịt vịt ngọt, mắm đậm đà, thơm thơm, ăn kèm rổ rau sống với một số loại không thể thiếu là mùi tàu (ngò gai), húng quế, bạc hà.
Quán vịt Đức Anh trên phố Duy Tân. Ảnh: yenlex nguyen
So với vịt luộc, vịt nướng được ưa chuộng hơn. Thịt vịt được xếp vào vỉ nướng trên lò, nướng trên bếp than hồng hoặc lò nướng, phải xoay đều để không bị cháy vàng, thịt chín đều. Lớp da vịt ngả nâu óng, hơi sém, thịt vịt chắc, thấm đẫm gia vị. Cả hai quán ở Duy Tân đều rắc thêm vừng trắng rang lên trên để thêm mùi thơm, ăn rất hợp. Mùi thơm nức mũi, màu óng ả, miếng thịt được chặt đều tăm tắp, xếp ngay ngắn trên đĩa. Cắn vào miếng thịt ngập răng, vịt ngọt lan tỏa trong miệng. Khách thường gọi nửa con hoặc cả con tùy sức ăn.
Bí quyết quan trọng làm nên món vịt nướng ngon là bát nước chấm, được pha từ xì dầu, nhiều tỏi và ớt băm, sánh đậm. Mỗi hàng có một công thức gia giảm khác nhau. Cả hai hàng đều khá hào hóng khi cung cấp nước chấm cho thực khách, ăn hết lại xin thêm thoải mái. Không quá lời khi nói vịt nướng Vân Đình ngon nhờ bát nước chấm "thần thánh", thêm rau sống và măng chua đúng kiểu miền Bắc. Ăn kèm vịt nướng, thực khách thường gọi một bát canh măng tiết và bún trắng là đủ no. Bát canh ngọt nhờ xương và thịt vịt, măng tươi giòn sật, giá đỗ giòn ngon, miếng thịt mềm dai, nóng hổi.
Quán vịt Đức Anh có thêm một số món vịt "bắt trend" như vịt rang muối, rang riềng, cháy tỏi, xốt me. Trong khi đó, quán vịt Anh Hợp chủ yếu là các món vịt cỏ truyền thống, thêm một số món lẩu. Do đặc thù kiêng vịt đầu năm nên sau đợt "ăn nên làm ra" dịp cuối năm, hầu hết các quán vịt đều đóng cửa qua mùng 10 âm lịch, thậm chí là qua Rằm tháng Giêng.
Hà Nguyên