Lễ hội Tử thần diễn ra ở quận Shibuya (Tokyo) ngày 13/4 là sự kiện thu hút sự quan tâm của du khách tới Nhật Bản. Hoạt động này diễn ra trong 6 ngày, trong đó ngày chính hội là 14/4, trong tiếng Nhật, số 4 đồng âm với từ "chết chóc".
Lễ hội được tổ chức bởi một số đơn vị có trụ sở ở Tokyo bao gồm các tổ chức phi chính phủ, công ty truyền thông và các chuyên gia tang lễ. Tham gia lễ hội này, du khách được khám phá "thế giới bên kia" bằng kính thực tế ảo, tham dự các bài giảng về truyền thống chôn cất của Nhật Bản, nếm thử các món ăn lấy cảm hứng từ cái chết.
Lễ hội diễn ra ở Tokyo tháng 4 năm nay. Video: Weibo
Đặc biệt, du khách có thể tham gia "đám tang giả tưởng" của chính mình và trải nghiệm nằm trong quan tài. Chi phí cho trải nghiệm này trong ba phút là 1.100 yen (khoảng 180.000 đồng). Kết thúc thời gian, nhân viên sẽ mở nắp quan tài và nói: "Chào mừng bạn trở lại với thế giới".
Những người sáng lập lễ hội cho biết mục đích là giúp mọi người suy nghĩ lại về cách sống trong hiện tại bằng cách trải nghiệm cái chết. Những người nằm quan tài và "thử chết" sẽ chiêm nghiệm về các khía cạnh của cuộc sống như tình yêu, lòng biết ơn và sự kết nối.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ sinh rất thấp và dân số già. Năm 2023, khoảng 1,6 triệu người tử vong ở Nhật Bản, truyền thông nước này gọi đây là "kỷ nguyên tỷ lệ tử vong cao". Nozomi Ichikawa, một trong những người sáng lập, cho biết: "Nếu bạn bắt đầu chiêm ngưỡng cuộc sống từ những giây phút cuối cùng của nó, bạn sẽ cảm nhận được một thế giới hoàn toàn mới".
Người tham gia thử nghiệm đám tang của chính mình. Ảnh: Sina
Theo trang Nikkan, ở Nhật Bản có nhiều cách để "trải nghiệm cái chết". Ngoài các tour "du lịch trải nghiệm cái chết" và "cà phê tử thần" do một số studio tung ra thị trường, du khách còn có thể ghé những cửa hàng trò chơi tham gia trải nghiệm đám tang của mình. Nhiều người trẻ cũng hào hứng thử hoạt động này.
Quán cà phê Blue Ocean ở phường Koto, Tokyo là nơi thường xuyên tổ chức hoạt động "trải nghiệm đám tang chính mình, lắng nghe từ trong quan tài". Đầu tiên, những người tham gia đọc điếu văn cho chính mình, sau đó nằm trong quan tài, nghe các nhà sư tụng kinh và đối mặt với cái chết giả tưởng.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có những hoạt động này. Tại Thượng Hải và thành phố Thẩm Dương ở phía đông bắc Trung Quốc, các trung tâm cung cấp trải nghiệm cái chết như mô phỏng thủ tục tang lễ và hỏa táng cũng được mở cửa. Một người tham gia đến từ tỉnh Quảng Đông chia sẻ trải nghiệm trên Weibo: "Tôi đã trượt kỳ thi đầu vào sau đại học và rất suy sụp. Nhưng sau khi nằm trong quan tài, tôi nhận ra đó không phải là vấn đề lớn trong cuộc đời", anh nói.
Năm 2012, hàng chục nghìn người ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã tham gia "đám tang sống", nơi họ dành khoảng 10 phút nằm trong quan tài đóng kín.
Việc nằm trong quan tài được cho là giúp người tham gia chiêm nghiệm về cuộc sống hiện tại. Ảnh: Sina
Hà Nguyên (Theo Weibo)