Mứt dừa là một món ăn quen thuộc và được nhiều người yêu thích trong dịp Tết. Thay vì ra ngoài mua, vừa đắt vừa không đảm bảo an toàn, bạn có thể tự làm mứt dừa tại nhà theo công thức đơn giản này nhé.
1. Nguyên liệu làm mứt dừa
- Dừa bánh tẻ: 800 gram
- Đường kính: 400 gram
2. Cách làm mứt dừa
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Để làm mứt dừa, bạn nên chọn loại dừa bánh tẻ, không quá già nhưng cũng không quá non.
- Sau khi gọt sạch phần vỏ nâu thì có thể mang đi bào sợi hoặc những hình tuỳ thích.
- Tiếp đó, ngâm dừa trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi mang đi rửa lại với nước sạch nhiều lần để làm sạch phần tinh dầu.
Bước 2: Chần sơ dừa
- Đặt nồi nước lên bếp và đun sôi. Sau đó để nguội bớt rồi cho dừa vào chần sơ để loại bỏ phần tinh dầu.
- Tiếp tục ngâm dừa đã bào sợi và rửa lại cho sạch. Càng làm cẩn thận bao nhiêu thì mứt dừa của bạn sẽ càng khô ráo và bảo quản được lâu hơn.
Bước 3: Ngâm đường
- Lấy một chiếc bát lớn, sau đó lần lượt cho dừa và đường vào.
- Dùng các dụng cụ nấu ăn như đũa hoặc thìa để trộn đều và ngâm dừa với đường trong khoảng 6 đến 8 tiếng cho đến khi thấy đường tan hoàn toàn.
Bước 4: Sên mứt dừa
- Cho dừa đã được ngâm đường vào một chiếc chảo lớn và sên trong lửa to.
- Tiếp đó, hạ lửa vừa và đảo đều tay để đường bám đều vào sợi dừa và giúp chúng không bị cháy.
- Chờ đến khi thấy mứt dừa quánh lại và hơi nặng tay thì hạ lửa ở mức thấp nhất và đảo liên tục đến khi thấy đường kết tinh thành những hạt nhỏ mịn và bám đều trên sợi mứt.
- Đảo đến khi thấy mứt dừa khô thì tắt bếp và chờ chúng nguội thì cho vào túi zip hoặc hộp thuỷ tinh có nắp đậy bảo quản.
3. Lưu ý khi làm món mứt dừa
- Để dừa sạch và có màu trắng đẹp, bạn cũng có thể ngâm dừa trong một chậu nước có sẵn 1 thìa muối và nước cốt 2 quả chanh trong khoảng 30 phút.
- Nên sử dụng chảo chống dính để sên mứt dừa vì chúng giúp sợi mứt không bị sát chảo và đảm bảo phần đường sẽ bám đẹp bên ngoài.
- Tuỳ vào khẩu vị và sở thích, bạn có thể tạo màu cho mứt dừa bằng những nguyên liệu tự nhiên như màu cam (thịt quả gấc), màu xanh (lá dứa), màu tím (lá cẩm), màu vàng (bột nghệ hoặc bột dành dành)...
4. Cách bảo quản để mứt dừa không bị chảy nước
- Sau khi sên mứt dừa xong, bạn có thể phơi hoặc sấy chúng thật khô vì nếu còn ẩm, mứt dừa dễ bị mốc.
- Trước khi cho mứt dừa vào túi hoặc lọ thuỷ tinh để bảo quản, bạn có thể rắc xuống bên dưới 1 lớp đường mỏng.
5. Những lỗi cơ bản khi làm mứt dừa
Đường không thể kết tinh được
Khi làm mứt dừa, nhiều người gặp phải tình trạng sên lâu mà mứt không kết tinh. Sở dĩ như vậy là do thiếu đường nên bạn cần lưu ý chuẩn bị tỷ lệ đường và cùi dừa phù hợp. Nếu đang sên mà thấy mứt dừa không kết tinh vì thiếu đường, bạn có thể đổ thêm đường vào sên đến khi thấy sợi mứt kết tinh là được.
Mứt dừa bị khô cứng
Không phải ai cũng biết rằng nếu đường đã kết tinh khi sên mà vẫn tiếp tục đảo thì có thể khiến sợi mứt vừa khô vừa cứng. Vì đảo trong thời gian quá lâu mà đường đã kết tinh chuyển dần sang màu vàng, kém đẹp. Do đó, bạn chỉ nên sên mứt đến khi thấy nặng tay và đường hơi kết tinh là tắt bếp ngay và đảo thêm bên ngoài cho đến khi sợi mứt dừa kết tinh hẳn là được.