Chả cá Phan Thiết là món ăn quen của người dân địa phương, một đặc sản độc đáo mà khách du lịch đến xứ biển này luôn nghĩ đến đầu tiên. Chá cá Phan Thiết chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như bánh canh, bánh mì, bún chả cá hay nhiều món ăn kèm cơm như chả cá nấu canh rau, canh chua chả cá, chả cá sốt cà chua...

Để làm chả cá Phan Thiết, bạn có thể chọn nhiều loại cá như cá thu, cá mối, cá bống, cá nhồng... nhưng quan trọng nhất là cá để làm chả phải tươi. Người Phan Thiết thường làm 2 loại chả cá là chả chiên và chả hấp.

chaca-pt-12143400-1732500210917-1732500212642922073382.jpg

Chả cá Phan Thiết với 2 loại chả chiên và chả hấp, chế biến rất nhiều món ăn, là đặc sản hấp dẫn thực khách. (Ảnh: Mia)

Nguyên liệu làm chả cá Phan Thiết

Cá mối hoặc cá thu, cá nhồng... tùy bữa chợ mà bạn chọn mua phù hợp. Người dân địa phương thường làm chả bằng cá mối, cá nhồng, cá bống, vì loại này giá rẻ hơn cá thu nhưng làm chả rất dai, thơm ngon.

Nếu làm chả cá hấp, bạn sẽ có thêm thịt ba rọi, trứng gà.

Gia vị bao gồm hành, tỏi, nước mắm, dầu ăn, muối, đường, bột ngọt, tiêu.

Sơ chế nguyên liệu

Cá tươi mua về làm sạch, nạo lấy hết phần thịt. Bạn nhớ nạo thịt cá đúng chiều để không bị lẫn xương. Người dân địa phương sẽ không lấy thịt cá kiểu phi lê mà dùng muỗng canh nạo dọc thân cá, rất nhanh mà không bị lẫn xương, da, vảy cá.

chacanh-13040490-1732500213601-1732500213950430529481.png

Cá nhồng là loại cá mà người dân vùng biển rất hay dùng để làm chả cá vì ít xương, thịt thơm ngon, giá lại không quá đắt. (Ảnh: TL)

Cho tiêu, muối, nước mắm, đường, hành, tỏi giã nhuyễn vào phần thịt cá rồi giã bằng cối hoặc dùng máy xay. Bạn có thể cho thêm ít dầu ăn để dễ giã hơn. Dùng tay sờ vào có thể cảm nhận được phần thịt cá đã dai, hòa cùng gia vị khi phần thịt cá không còn bám dính vào tay thì khâu sơ chế của bạn đã hoàn thành.

Nếu làm chả hấp, bạn sẽ chia phần thịt ba rọi làm 2 phần, một phần xay kèm với thịt cá, phần còn lại cắt lát mỏng để riêng.

Làm chả cá

Với chả chiên, bạn bắc chảo lên bếp và cho vào ngập dầu ăn. Dùng bao tay nylon nặn miếng chả mỏng khoảng 1cm, kích cỡ bằng lòng bàn tay bạn hoặc lớn hơn tùy thích, và cho vào chiên. Bạn nhớ điều chỉnh lửa vừa.

chacapt-s-13023156-1732500214786-1732500215193645226682.png

Để làm chả cá ngon, ngoài chọn cá tươi thì phần trộn gia vị và giã cho thịt cá dai là rất quan trọng. (Ảnh: TL)

Khi chả vàng đều, thơm lừng thì gắp ra đĩa để ráo dầu. Công đoạn làm chả cá chiên của bạn đã hoàn thành rồi nhé.

Với chả hấp, sau khi phần thịt cá đã sơ chế xong, bạn đập trứng gà vào chén, tách riêng lòng trắng, lòng đỏ. Tùy lượng chả nhiều hay ít bạn sẽ ước lượng bao nhiêu trứng gà. Lòng trắng trứng bạn trộn vào thịt cá đã sơ chế nhé.

Bắc nồi hấp lên bếp, dùng lá chuối lót xửng hấp. Bạn đeo bao tay rồi nặn miếng chả với kích cỡ miệng chén, dày 3-4 cm. Trên mặt chả đặt vài miếng thịt ba rọi cắt mỏng rồi để vào nồi hấp chín. Bạn canh thời gian hấp khoảng 20-25 phút là được. Hoặc có thể dùng đũa xuyên qua miếng chả, nếu thịt cá không còn dình vào đũa thì chả đã chín.

Mở nắp nồi hấp, dùng chổi quét dầu quét lòng đỏ trứng đều lên mặt chả, quét nhiều lần để lớp trứng dày một chút. Khi đã quét lòng đỏ trứng lên mặt chả, bạn nhớ không đậy kín nắp nồi nhé, vì nếu đậy kín màu trứng không còn vàng đẹp.

banhcanhchaca-13235333-1732500215927-17325002163601765560945.jpg

Một tô bánh canh chả cá Phan Thiết đúng vị sẽ bao gồm chá cá hấp và chả cá chiên. (Ảnh: Mia)

Sau khoảng 5 phút, khi lớp lòng đỏ trứng chín thì món chả hấp thơm lừng của bạn đã xong. Bạn tắt bếp, lấy chả ra để nguội và thưởng thức.

Khi làm chả cá Phan Thiết, người địa phương thường sẽ nấu bánh canh chả cá kết hợp cả chả hấp và chả chiên. Bánh mì chả cá cũng là món kết hợp 2 loại chả này mới đúng điệu.

Ngoài ra, chả cá Phan Thiết có thể chế biến nhiều món ăn khác như nấu canh, sốt cà, chấm tương ớt... đều rất ngon.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022