Trong cuốn “Hoàng Đế nội kinh” có ghi rằng: "Khí huyết đầy đủ, hết bệnh tật". Điều này cho thấy khí huyết chính là cơ sở đảm bảo chức năng hoạt động bình thường của các cơ quan nội tạng, trì hoãn lão hóa và tăng cường sức đề kháng.
Ngược lại, nếu khí huyết không đủ sẽ gây ra nhiều khó chịu trong cơ thể. Đặc biệt với chị em phụ nữ, nhiều khi thấy mệt mỏi, uể oải, thường bị xuống tinh thần, hoặc sắc mặt ngày một nhợt nhạt, có thể là do cơ thể thiếu khí huyết.
Việc khí huyết bị ảnh hưởng thường liên quan đến thói quen sinh hoạt của chúng ta, chẳng hạn ngủ quá ít hoặc chế độ ăn uống không điều độ. Cho nên việc bổ sung các thực phẩm bổ máu rất quan trọng. Chị em hãy cùng tham khảo 4 loại nguyên liệu bổ khí huyết sau đây để cùng chế biến món ngon nhé.
1. Dâu tằm
Mặc dù hiện tại mùa dâu tằm đã qua nhưng nhiều người cũng đã tích trữ dâu tằm dưới dạng dâu tằm sấy khô hoặc dâu tằm ngâm đường để sử dụng trong những ngày hè nóng nực. Trên thực tế, dâu tằm có tác dụng dưỡng âm bổ phổi, bổ huyết ích khí.
Chính vì vậy, dâu tằm ngoài ăn trực tiếp, pha nước uống, dâu tằm có thể mang nấu chè, nấu cháo. Dâu tằm khi kết hợp với các nguyên liệu bổ máu khác như hoa hòe, hạt sen, khoai mỡ... đều có tác dụng bổ phổi.
Món ăn bổ máu gợi ý: Dâu tằm yến mạch
Nguyên liệu cần thiết gồm 100g yến mạch, 80ml sữa, topping ăn kèm gồm 20g dâu tằm, 20g hạnh nhân, 10g hạt bí, 30g dâu tây, 30g việt quất.
Đầu tiên, bạn cho sữa tươi trộn cùng yến mạch để yến mạch ngậm no sữa. Trộn đều sau đó cho các loại topping lên trên cùng. Việt quất có thể để cả quả hoặc cắt đôi. Dâu tây cắt miếng nhỏ là được.
Với dâu tằm, nếu có dâu tằm tươi bạn có thể dùng trực tiếp. Nếu dùng dâu tằm ngâm đường, có thể dùng cốt nước dâm tằm trộn cùng yến mạch.
2. Gà xương đen
Gà xương đen ngoài thị trường có giá khá đắt đỏ, tuy nhiên chúng là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng. Gà xương đen giàu protein, thịt ít mỡ, giàu chất sắt, kẽm, selen và các nguyên tố vi lượng khác.
Nhìn chung, gà xương đen được chị em ưa chuộng bởi chúng có công dụng dưỡng âm, dưỡng khí huyết rất tốt. Loại thực phẩm này đặc biệt thích hợp cho chị em phụ nữ ăn trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi sinh. Đồng thời, chúng có thể làm giảm các triệu chứng như thiếu máu một cách hiệu quả.
Món ăn bổ máu gợi ý: Canh gà xương đen
Nguyên liệu cần thiết gồm 1 con gà xương đen khoảng 800g-1kg, 1 củ gừng thái lát, 5 tai nấm đông cô ngâm nở, 4 quả táo đỏ, 1 nhúm kỷ tử, hành lá cắt khúc.
Đầu tiên, gà xương đen mang rửa sạch, chặt miếng. Cho gà vào nồi, thêm 1l nước, gừng thái lát và 1 thìa rượu nấu ăn. Sau khi đun sôi thì tắt bếp, đổ phần nước bọt máu đi. Rửa sạch gà lại lần nữa.
Cho gà vào nồi, thêm nấm đông cô, táo đỏ và vài lát gừng vào. Sau khi đun sôi ở lửa lớn thì vặn lửa nhỏ, thêm tiêu trắng và 1 thìa muối, đun tiếp khoảng 30 phút là gà chín. Lúc gà gần chín cho kỷ tử vào. Tắt bếp, có thể thêm hành lá cắt khúc.
3. Long nhãn
Nhãn là loại quả có vị ngọt thơm, tác dụng bổ huyết dưỡng tâm, giúp trấn an tinh thần, kiện tỳ ích vị, bồi bổ dạ dày. Long nhãn có tác dụng hiệu quả cho các triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, hay quên, mơ màng do khí huyết không đủ.
Ngoài việc ăn trực tiếp nhãn tươi, long nhãn có thể bảo quản được lâu hơn. Đây cũng là một trong những nguyên liệu không thể thiếu được của món chè dưỡng nhan.
Món ăn bổ máu gợi ý: Chè long nhãn hạt sen
Nguyên liệu cần thiết gồm 4 quả táo đỏ, 50g hạt sen, 50g long nhãn, 20g nấm tuyết, 50g đường phèn.
Trước tiên mang ngâm nấm tuyết với nước và chút bột năng trong khoảng 30 phút cho nấm nở đều. Rửa sạch, để ráo và xé nhỏ.
Cho 1l nước đun trên lửa lớn đến sôi, cho táo đỏ và hạt sen vào đun nhỏ trong khoảng 20 phút. Cho đường phèn, nấm tuyết và long nhãn vào đun thêm 10 phút nữa là được.
4. Bí đỏ
Bí đỏ là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Chúng có thể bổ tỳ, bổ máu dưỡng da, đặc biệt cho những người có làn da khô, vết nám, nhiều nếp nhăn hoặc các triệu chứng khác do khí huyết không đủ gây ra.
Món ăn bổ máu gợi ý: Bánh bao bí đỏ
Nguyên liệu cần thiết gồm 200g bí đỏ, 200g bột mì, 6g men nở, 40g đường, 60ml sữa, 40ml nước ấm.
Đầu tiên, bạn gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ và cho vào xửng hấp chín trong 10 phút. Cho bí đỏ ra bát dầm nhuyễn và để nguội. Cho 100g bột mì, 3g men nở, 20g đường vào bát và đổ 30ml sữa vào.
Thêm 20ml nước ấm sau đó nhồi bột thành khối mịn. Dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và ủ cho đến khi bột nở gấp đôi. Trong một bát khác cho số bột mì, men nở, đường, sữa và nước ấm còn lại vào cũng nhồi đều và ủ cho nở gấp đôi.
Khi bột nở gấp đôi, rắc chút bột lên thớt cho chống dính rồi nhào đều chúng cho mềm hơn, khoảng 3 phút là được. Sau khi nhào, dùng cán lăn bột cán mỏng hai khối bột riêng biệt. Đặt lớp bột vàng lên trên bột trắng, dùng cán lăn bột cán xuống để giữ nếp. Sau đó cuộn tròn bột lại.
Cứ như vậy đến khi cuộn hết bột, dùng chút nước để dính phần cuối lại. Cắt thành các khúc bánh nhỏ và cho vào xửng để nghỉ trong khoảng 20 phút là được. Sau đó, hấp chín trong lửa lớn khoảng 15 phút là được.