Năm bùng nổ với hàng loạt concert "khủng"

Ngày 28/9 vừa qua, concert Anh Trai Say Hi diễn ra tại TP.HCM đã tạo nên cơn sốt, thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Sự kiện quy tụ 30 nghệ sĩ trẻ nổi bật, bước ra từ show sống còn đình đám, đã nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn và mạng xã hội ngay từ khi ra mắt.

Trước khi diễn ra, concert đã gây tranh cãi vì những con số tham vọng như 25.000 đến 35.000 khán giả, khiến không ít người hoài nghi. Thế nhưng, đêm nhạc đã thành công vượt mong đợi khi thực sự lấp đầy gần 15.000 chỗ ngồi, làm sáng rực cả một khu vực bên chân cầu Thủ Thiêm.

zcc.jpgConcert Anh trai say hi thu hút gần 15.000 khán giả. 

zcc1.jpgKhung cảnh choáng ngợp trong đêm concert Day 1 Anh Trai Say Hi. 

Video ghi lại quang cảnh hoành tráng của buổi biểu diễn không chỉ khiến khán giả trong nước choáng ngợp mà còn thu hút sự chú ý của nhiều người nước ngoài. Trên các diễn đàn quốc tế, nhiều người Hàn Quốc đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức hút của một concert quy mô lớn tại Việt Nam.

Dù Việt Nam không thiếu những concert quy mô lớn, đây là lần hiếm hoi mà các nghệ sĩ trẻ được trình diễn trước một đám đông hùng hậu đến vậy. Sự kiện này cũng đánh dấu sự phát triển của văn hóa fandom nghệ sĩ Việt, khi giới trẻ bắt đầu chuyển từ "đu" thần tượng quốc tế sang yêu mến và ủng hộ các nghệ sĩ trong nước.

Bạn Lê Phương Linh, 23 tuổi, một Gen Z tham gia concert thường xuyên, chia sẻ: "Trước đây, mình chỉ nghĩ đến việc tham dự các concert của nghệ sĩ quốc tế vì cảm giác như đó mới là đỉnh cao. Nhưng khi thấy các nghệ sĩ Việt Nam cũng có những show diễn chất lượng, mình dần thay đổi suy nghĩ. Những concert của nghệ sĩ Việt cũng rất đầu tư và không kém phần hấp dẫn".

Lần đầu tiên, nghệ sĩ Việt có được một sân chơi thu hút sự quan tâm từ những nhóm người hâm mộ mới, những khán giả vốn chỉ quan tâm đến các ngôi sao quốc tế. Fan Kpop, Cpop và USUK bắt đầu chuyển hướng, trở nên hứng thú với các nghệ sĩ trong nước. Bên cạnh những cuộc "tranh đấu" thường xuyên giữa các fandom, việc này cũng mang theo nhiều nét đặc trưng từ văn hóa "đu concert" quốc tế về Việt Nam.

Trong hậu trường của concert Anh Trai Say Hi, không khí sôi động khi các fan nhiệt tình chia sẻ thông tin về nghệ sĩ mình yêu thích, thậm chí tổ chức “trade card” (đổi thẻ bo góc) - một hoạt động thường thấy tại các buổi biểu diễn của sao Kpop. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Việt cũng có cơ hội gặp gỡ người hâm mộ qua những hoạt động như fansign, chụp ảnh ngẫu nhiên, thể hiện sự chuyên nghiệp không thua kém các sao quốc tế.

zcc3.jpgVé concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong làng nhạc Việt khi sold-out toàn bộ vé trong 90 phút mở bán 

Concert Anh Trai Say Hi không phải là sự kiện duy nhất gây tiếng vang trong năm nay. Ngày 19.10 sắp tới, concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai cũng lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" với một concert nội địa khi gần 20.000 vé "cháy sạch" chỉ trong vòng 90 phút mở bán. Đáng chú ý, những hạng vé VIP với giá tiền lên đến chục triệu cũng được tẩu tán nhanh chóng bởi những "phú bà".

Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của khán giả Việt, khi Gen Z bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn đến các nghệ sĩ trong nước. Từ những đêm nhạc quốc tế với quy mô "khổng lồ" như BornPink của BLACKPINK đến những concert thuần Việt như Anh Trai Say Hi, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, khán giả Việt đang dần hình thành thói quen ủng hộ và tự hào về nghệ sĩ nội địa, đồng thời thể hiện mức độ chịu chi "khủng" không kém các anh bạn hàng xóm trong khu vực.

Vì sao thành công?

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trẻ cũng trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Để đáp ứng điều này, các nhà tổ chức concert đã không ngừng cải tiến, đầu tư mạnh mẽ không chỉ về kỹ thuật mà còn về nội dung và chất lượng tổng thể của chương trình. Đây không chỉ là một cuộc đua về công nghệ và ngân sách, mà còn là sự cam kết mang lại những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho khán giả.

Trước đây, việc tham gia các concert tại Việt Nam đôi khi còn bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, từ hệ thống âm thanh chưa đạt chuẩn đến dàn ánh sáng thiếu chiều sâu. Tuy nhiên, gần đây, sự đầu tư bài bản đã trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp âm nhạc. Các nhà tổ chức không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để lắp đặt hệ thống âm thanh chuẩn quốc tế, trang bị đèn LED hiện đại và ánh sáng laser sống động, nhằm đảm bảo mỗi buổi biểu diễn đều là một bữa tiệc thị giác, âm thanh và ánh sáng mãn nhãn.

Đơn cử như trường hợp concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, thay vì đăng tải hình ảnh demo thiết kế sân khấu như thông thường, ê-kíp của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã “tung” ngay bản video live 3D của sân khấu đêm nhạc. Bố cục sân khấu, ánh sáng, hiệu ứng,… đều được tái hiện chân thực và rõ nét với các chuyển động như ngoài đời thực.

zcc5.jpgSân khấu được đánh giá vươn tầm quốc tế trong concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Theo như mô phỏng của bản live 3D, sân khấu trong đêm concert này được xây dựng với một cấu trúc rất phức tạp, kết hợp nhiều yếu tố công nghệ và thiết kế hiện đại để tạo nên trải nghiệm tổng thể hoành tráng. Điểm nhấn ấn tượng nhất là sân khấu chuyển động (moving stage) đi qua khu vực khán giả và có thể nâng lên/ hạ xuống linh hoạt, giúp thay đổi bố cục sân khấu trong thời gian ngắn.

Moving stage cũng là công nghệ sân khấu hiện đại thường thấy trong những concert quốc tế lớn, đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản. Mới đây nhất có thể kể đến sân khấu “Hold On Tight” của nhóm nhạc Aespa tại Tokyo Dome.

Concert Yên của nam ca sĩ Hoàng Dũng thể hiện độ chịu chi "khủng" với hình ảnh ngôi nhà xoay 360 độ được thêm vào những chi tiết rất mộc mạc, yên bình như lối đi nhỏ quanh co bằng gỗ, vườn hoa trước hiên hay khu rừng phía sau. Concert Chân trời rực rỡ của Hà Anh Tuấn gây choáng ngợp với cấu trúc “sân khấu trong sân khấu”, như một viên ngọc giữa non nước Ninh Bình.

zcc6.jpgConcert "Yên" của nam ca sĩ Hoàng Dũng thể hiện độ chịu chi "khủng" với hình ảnh ngôi nhà xoay 360 độ.

Một trong những yếu tố khiến giới trẻ yêu thích các concert Việt Nam chính là giá vé hợp lý. So với các show quốc tế, chi phí tham gia một buổi hòa nhạc trong nước dễ tiếp cận hơn nhiều, dao động từ vài trăm nghìn đến khoảng vài triệu đồng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và người trẻ tham gia. Ngoài ra, sự kết nối văn hóa và tình cảm giữa nghệ sĩ và khán giả là điều khó tìm thấy ở các buổi biểu diễn quốc tế.

Bạn Minh Trí, 25 tuổi, khán giả trung thành của nhạc Việt, chia sẻ: "Mình cảm thấy khi tham gia các concert của nghệ sĩ Việt, có một sự gần gũi và tự hào khi chúng ta không còn khoảng cách ngôn ngữ, các nghệ sĩ giao lưu với khán giả bằng Tiếng Việt, những đoạn fanchant tên nghệ sĩ cũng được cất lên bởi ngôn ngữ mẹ đẻ thân thương, những cái tên Việt Nam quen thuộc. Mình thấy nghệ sĩ nước mình cũng làm được những điều mà trước đây chỉ thấy ở các nghệ sĩ quốc tế. Điều đó rất tuyệt vời".

Dù hiện tại "đu" concert quốc nội đang là xu hướng nổi bật, nhưng nhiều người vẫn tự hỏi liệu đây chỉ là trào lưu nhất thời hay sẽ trở thành nét văn hóa lâu dài trong giới trẻ Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển các concert nội địa không chỉ là biểu hiện của sự trưởng thành trong âm nhạc Việt mà còn cho thấy sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả.

Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành một điểm đến âm nhạc trong khu vực. Tuy nhiên, để duy trì sức hút, các concert nội địa cần phải không ngừng cải thiện chất lượng và đổi mới.

"Khán giả ngày càng khó tính hơn, và để giữ chân họ, các nhà tổ chức phải có sự đầu tư chỉn chu, sáng tạo không ngừng và giữ được hình ảnh sạch của nghệ sĩ trước công chúng", bạn Phương Linh nhận định.

page.jpg?width=150Nhạc
Trước concert Chông Gai, một anh tài mang ớt rải khắp nơi, người trong nghề nhìn là hiểu ngay

Theo Tiền Phong 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022