f9bfd585.jpg
Thu Vân biểu diễn tiết mục dự thi Duyên nghiệp và giành giải quán quân tối 1-4 - Ảnh: ĐĐDCVC

Với tiết mục Duyên nghiệp do chính huấn luyện viên Thoại Mỹ viết riêng cho Thu Vân trong đêm chung kết (phát hình tối 1-4), công bằng mà nói Vân không tỏa sáng so với các đêm thi trước.

Điểm yếu của Vân là diễn xuất chưa tinh tế đã bộc lộ khi cô thể hiện chưa sâu sắc tâm trạng của một đào hát vì cú sốc trong cuộc đời phải xa ánh đèn sân khấu...

Thế nhưng yếu tố quan trọng nhất là giọng hát thì Thu Vân vẫn giữ được phong độ. Giám khảo Thanh Tuấn đã không ngần ngại khẳng định: “Giọng ca của em rất nội lực, em chính là người có thể tìm đến danh ca vọng cổ...”.

Chính giọng hát đó, ngay tập đầu của chương trình, khi Vân mới xuống câu vọng cổ thì ba huấn luyện viên đã lập tức bấm chọn cô. Và trải qua từng vòng thi, cái giọng hát nghe thiệt “đã tai” ngày càng thu phục khán giả.

Tiếng hát giữa quãng đồng vắng

Vân là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Nhà cô ở lút trong miệt đồng sâu huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ. Xa thiệt xa mới ngó thấy một mái nhà lá lụp xụp.

Mỗi ngày đi học phải quá giang đò, hoặc lội bộ cao thấp trên bờ đê vì vùng này chưa có lộ. Bữa nào tan học buổi chiều mà gặp mưa là lội bộ có khi 7h, 8h tối mới tới nhà. Đường tối om, cặp táp, quần áo ướt nhem bùn đất.

Lùa vội miếng cơm xong thì cả nhà ra sân... đập muỗi, chớ có gì đâu mà giải trí. Điện không có, tivi cũng không. May nhờ có cái radio chạy pin, đút băng cassette vô nghe cải lương miết từ chiều tới khuya.

Nhờ nghe vậy mà cả gia đình ở cái xẻo xa lắc xa lơ đó ai cũng hụ hơ ca vọng cổ được hết. Ngọt nhất là bé út Thu Vân. Bé khoái mở băng đờn không có ca và tự hát theo. Riết rồi Phụng hoàng, Nam ai... mấy chục bài bản út thuộc làu làu, không ai dạy mà nhịp nhàng rành rẽ.

Tiếng đồn về con nhỏ ở miệt đồng có giọng ca cao vút, lanh lảnh, ngọt ngào khiến nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử ở nơi khác tới rủ rê Vân thi thố. Cô tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử ở Ô Môn (Cần Thơ) rồi qua An Giang..., liên tục đoạt giải tiết mục xuất sắc.

Nơi mà Vân dừng chân khá lâu là câu lạc bộ đờn ca tài tử trực thuộc Tỉnh đội An Giang. Nơi đây có khu vực cho thuê tổ chức đám, tiệc. Vân được cho lên TP.HCM (Cung văn hóa Lao động thành phố) học MC 4 tháng để về vừa hát cải lương vừa làm MC.

Ca dây nào 
cũng không ngán!

Lần lên... kinh đó, trong một dịp tình cờ Vân và bạn chạy ngang Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM thấy thông báo tuyển sinh cuộc thi Bông lúa vàng. Vân đứng lại ngó cho đã cái... băngrôn!

Vì bấy lâu nay nghe qua radio cô mê cuộc thi này lắm. Thấy Vân cứ ngẩn người ra, cô bạn xúi đăng ký thi. Sau thoáng chốc ngần ngại, cô quyết định ghi danh.

Học hết 4 tháng MC mà Bông lúa vàng vẫn chưa kết thúc. Cô quày quả về quê và tưởng quên luôn, ai dè ban tổ chức thông báo Vân vô chung kết.

Vậy là cha con cô khăn gói đón xe đò từ tờ mờ sớm đến đài duyệt chương trình buổi sáng, rồi chiều thi luôn để đỡ tốn tiền khách sạn. Vậy mà năm đó Vân giật luôn huy chương bạc của cuộc thi (năm 2007).

Đoạt giải xong, Vân lại về quê. Năm sau, cô thi giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền và ẵm luôn giải quán quân. Thấy con nhỏ coi rụt rè vậy mà thi đâu thắng đó, bạn bè lại xúi Vân thi tiếp Chuông vàng vọng cổ.

Vốn chỉ biết ca chứ chưa từng được diễn, nên vô tới chung kết Vân cứ mê mẩn xem các bạn thi khác ca diễn rần rần, cô thiệt thà khen: “Chị diễn hay quá hà, em ước gì diễn được như chị!”. Còn cô thí sinh tròn mắt quay sang: “Trời, còn chị ước được hát hay như em!”.

Năm đó Vân đoạt Chuông vàng vọng cổ (2009) và cả giải báo chí bình chọn. Đoạt giải xong, Vân lại về quê...

Lý giải việc cứ đòi... về nhà hoài, Vân mắc cỡ nói: “Tại Vân ở đâu cũng muốn cho thiệt gần gia đình, nhớ nhà cái chạy ù ngay về được!”.

Chính vì đi đâu cũng muốn về nhà nên dù được nhiều đoàn hát chào đón, cuối cùng Vân chọn đầu quân cho Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang (2012). Liên tiếp hai mùa hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, cô đào chính Thu Vân đều có huy chương.

Huy chương bạc trong vở Dòng nhớ và huy chương vàng trong vở Cơn mê cuối cùng. Rồi tới đợt thi tài năng trẻ sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2014.

So với các đồng nghiệp, dù không phải là sao này sao kia nhưng trong 7 huy chương vàng xuất sắc, Vân đạt số điểm cao nhất vì khả năng ca 
trong diễn tuyệt vời.

Yêu mến giọng ca Thu Vân, soạn giả Đăng Minh lý giải cặn kẽ: “Thu Vân có chất giọng trầm buồn, sâu lắng nhưng cách ca cải lương rất mới, trẻ trung, bay bướm, lạng lách.

Hơi ca của Vân rất ăn khách, giọng ngọt, cao vút, lên tới những nốt rất cao và nhịp nhàng rất cứng cáp!”.

Còn Thu Vân nhỏ nhẹ nói: “Chắc tổ nghiệp thương em nên được cái em ca dây nào cũng không ngán. Dây càng cao em hát càng khỏe, càng sung. Tánh em hay rụt rè, tự ti vì bản thân mình học hành không cao, nhưng mỗi khi 
ca là em thấy mình tự tin nhất”.

Thu Vân, Lê Văn Gàn và Minh Chí là ba thí sinh đã có mặt ở chung kết cuộc thi. Giám khảo của chung kết là ba NSƯT Thanh Tuấn, Thanh Kim Hụê, Hoài Linh.

Thu Vân với tiết mục Duyên nghiệp đã giành được số điểm trung bình 9,8 và đoạt ngôi quán quân với giải thưởng trị giá 300 triệu đồng. Lê Văn Gàn và Minh Chí cùng có số điểm trung bình 9,7 và cùng giành giải á quân của Đường đến dân ca vọng cổ mùa đầu tiên.

Thu Vân tâm sự không phải đích đến cuối cùng là giải quán quân mùa đầu tiên, mà cô thấy mình đã được tham gia hành trình để thay đổi bản thân.

Từ một cô đào nhu mì, khép kín chỉ chuyên đóng vai bi thương, sầu thảm, giờ Vân lại thích làm... đào tính cách, đào nhì cũng được, nhưng được hóa thân vào những nhân vật đa chiều, sắc sảo hơn.

Cơ hội thực hiện ước mơ có thể trong tầm tay khi Vân đã nhận lời về đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Cô đã mua được nhà ở Q.8 
(TP.HCM), đón mẹ và anh trai lên ở cùng.

Nguồn: tuoitre.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022