Người ta gọi tên cuộc tình của bà với người chồng quá cố là “định mệnh” bởi hai người không chỉ gắn bó với nhau ở cái tên, sự đồng điệu âm nhạc mà cả tình yêu vượt qua mọi ranh giới. Vậy mà đã từng có lúc hai người định chia tay?
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn rất đau đớn mỗi khi có ai hỏi câu này. Bao năm qua tôi chọn cách im lặng không nói ra bởi lúc sinh thời anh Phương không muốn cho tôi nói. Thực tế là thời điểm đó tôi bị một viên đạn bắn vào người nên phải qua một cơn thập tử nhất sinh. Tôi đã phải mất 4 năm mới đi hát trở lại được. Trong 4 năm người ta thêu dệt nên bao nhiêu là chuyện nhưng anh không muốn tôi lên tiếng. Anh bảo, im lặng là tốt nhất. Lên tiếng rồi nói qua, nói lại chẳng hay ho gì.
Việc tôi bị nạn và phải nghỉ hát là một biến cố lớn lao trong cuộc đời của chúng tôi. Cho nên anh Phương đã viết một tập nhạc cho biến cố đó. Sẽ có lúc tôi đưa tập nhạc đó ra để mọi người thấy mọi người đã nghe tầm bậy, tầm bạ… Chúng tôi đã phải tranh đấu vô cùng cam go để đến được với nhau thì tại sao lại có chuyện chia tay nhau, khó khăn nhất là ở Việt Nam còn không rời nhau thì khi sang bên kia đầy đủ và sung sướng như thế sao mà chia tay được.
Bà có thể nói rõ hơn về tập nhạc ông đã viết cho bà trong khoảng thời gian bà đối diện với “thập tử nhất sinh”? và tại sao bà lại chưa chịu công bố tập nhạc đó?
Tập nhạc đó gồm 10 bài, trong đó có duy nhất bài “Có được cuộc đời” là tôi có hát một lần, còn lại chưa hát lần nào hết. Tập nhạc này rất hay vì anh viết cho tôi khi tôi đứng giữa sinh tử, có thể chết bất kỳ lúc nào. Tôi còn nhớ, thời điểm đó có lúc tôi phải trải qua phẫu thuật 4 tiếng đồng hồ, qua ngày hôm sau bác sĩ mới bảo tôi có thể sống chứ mọi người tưởng tôi đã chết rồi. Một viên đạn bắn vào người mà, đâu phải dễ.
Tôi chưa công bố tập nhạc này vì đang có quá nhiều việc phải làm. Tôi đang viết hồi ký. Tôi đang làm phim về cuộc đời anh Phương. Còn tập nhạc đó có rồi, chỉ cần hát thôi, khoảng tuần lễ là xong… Những cái kia cần nhiều thời gian hơn.
Bà nói, bà đang lên ý tưởng làm phim về người chồng quá cố. Nếu làm phim về ông thì giai đoạn nào là nhiều tiếng cười, giai đoạn nào là nhiều nước mắt nhất?
Không giai đoạn nào nhiều nước mắt hết, chỉ có tiếng cười thôi. Vì khi chúng tôi có nhau trong đời là có sức mạnh lớn lao vô cùng. Những người yêu nhau thật sự thì trong mọi hoàn cảnh, trong mọi bối cảnh đều không có nghĩa gì hết, tình yêu là trên hết. Cho nên không bao giờ có nước mắt.
Qua Mỹ, anh Phương có chút buồn vì không sáng tác được do bối cảnh bên Mỹ quá thực tế, không lãng mạn như Đà Lạt. Thời gian đó anh vẫn ở nhà còn tôi đi làm. Chuyện gì mà không làm được, mở tiệm may, mở lại tiệm cà phê “Lục huyền cầm” để sinh sống…
Trong thời gian sống với nhau, chúng tôi không hề cãi nhau vì luôn nghĩ mình là tình nhân. Chưa bao giờ chúng tôi xem nhau là vợ -chồng. Cho nên cái nghĩa “tình nhân” hay lắm. Lúc nào cũng mới mẻ như ngày đầu mới yêu nhau. Tôi muốn cái gì, anh ấy cũng chưa bao giờ nói không và anh ấy muốn gì tôi cũng chưa bao giờ nói không hết. Không những vậy mà tôi luôn biết anh ấy thích cái gì, tôi sẽ làm theo. Tôi làm cho anh ấy và ngược lại anh ấy làm cho tôi, chho nên chúng tôi hạnh phúc lắm.
Vậy nên khi chồng cũ mất, bà đã sụp đổ lắm?
Sụp đổ hoàn toàn. Tôi 3 lần uống thuốc ngủ tự vẫn để được đi theo anh ấy mà không được. Số tôi vẫn phải sống. Lần đầu tôi uống vào buổi tối thì sáng mai con gái đến bên giường hôn tôi để chào đi học thấy mẹ không động đậy gì hết liền gọi người đưa đi nhà thương. Lần thứ nhì, tôi đổi thời gian đi, uống sớm hơn để sáng ra mọi người phát hiện thì đã trễ nhưng 5 giờ sáng mẹ tôi ở dưới nhà bị ngã, con gái vào lay không thấy tôi nhúc nhích lại đưa đi nhà thương. Lần thứ 3, khi tôi sắp sửa uống thì một cô bạn gọi điện đến và nói rất hợp lý khiến tôi từ bỏ ý định tự tử từ đó đến giờ.
Cô ấy bảo, "tại sao chị cứ khóc hoài vậy mà kỳ thực lúc đó tôi khóc cả ngày thôi. Giả dụ người chết không phải anh mà là chị, chuyện gì sẽ xảy ra. Việc đầu tiên là anh ấy không làm 49 ngày như chị đã làm. Anh ấy không giỗ đầu, giỗ hai, giỗ ba như chị đã làm. Anh ấy không còn đối tượng, không còn nguồn cảm hứng để viết nhạc. Điều thứ 4, anh ấy không phải là người cất giọng hát cái là người ta tới nghe. Chỉ có chị hát người ta mới nghe. Nếu như vậy thì anh ấy còn sống mà Lê Uyên Phương coi như chết vì anh ấy hát người ta có thích nghe đâu. Chị là người nội hát nhạc của anh ấy không thôi là ở đâu người ta cũng nghe. Chị đứng trên sân khấu vẫn còn quyến rũ và hấp dẫn người ta phải đi nghe. Vậy có phải là anh chết nhưng Lê Uyên Phương sống mãi trong lòng mọi người?". Tôi thấy cô ấy nói quá đúng nên luôn đống thuốc ngủ và đứng dậy, đứng rất mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay.
Nhưng rồi bà cũng đã đi bước nữa với người đàn ông hiện tại và gác những thứ của ngày hôm qua vào kỷ niệm đó thôi?
Thời gian đó tôi dù đã quay trở lại với ca hát nhưng chỉ đi hát một mình thôi, đến năm thứ 7 tôi mới gặp người đàn ông hiện tại. Người bạn hiện tại của của tôi làm nghề phi công lái máy bay trực thăng. Ở Mỹ, nhà tôi và nhà anh ấy rất gần nhau nhưng trước đó chúng tôi chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ là anh Phương đã xui khiến cho tôi với anh Mẫn (người đàn ông hiện tại) gặp nhau. Chúng tôi gặp nhau trong đại hội không quân và vô tình ngồi đối diện nhau trong một bàn tiệc. Anh Mẫn bảo, ngay ở giây phút nhìn thấy tôi anh đã thích tôi ngay lập tức.
Anh Mẫn là người gốc Việt. Lúc quen tôi anh ấy đã kết hôn với người vợ gốc Mỹ được 23 năm nhưng không có con. Khi quen tôi, anh ấy đã xin phép bà vợ cho qua sống với tôi nhưng phải một năm sau tôi mới đồng ý. Người Mỹ có cái hay là nếu sống với nhau không hợp thì có thể chia tay đi ở với người khác chứ không như người Việt Nam.
Anh ấy bảo, gặp được tôi anh ấy như sống lại vì sống với người Mỹ phải nói tiếng Mỹ mỗi ngày và phong tục của người Mỹ cũng khác người Việt rất nhiều thứ. Anh ấy là người rất tiếu lâm nên luôn làm cho tôi cười. Thêm nữa, anh luôn giúp đỡ tôi để tôi hoàn thành tâm nguyện với anh Phương.
Khi quyết định đón nhận người đàn ông hiện tại và cho ông đến ở chung nhà bà có đấu tranh tư tưởng gì ghê gớm không?
Không. Vì với tôi, trên thực tế anh Phương là người đã mất rồi nhưng trong tâm tôi anh ấy vẫn còn sống. Cho nên, đêm nào tôi cũng thắp nhang cho anh Phương. Việc gì tôi cũng hỏi anh ấy và đều có câu trả lời. Ví dụ, tôi hỏi anh Phương em có nên về Việt Nam không, anh ấy bảo: “Về chứ, tại đó là ước nguyện của anh mà. Mình về Việt Nam để mang những bài hát của anh về với khán giả Việt Nam mà”. Tôi bảo “Ok, vậy thì em sẽ về”...
Vậy khi chị về sống với người bạn hiện tại, đời sống âm nhạc của chị thế nào?
Thăng hoa hơn vì anh ấy tạo mọi điều kiện cho tôi để tôi được hát.
Vậy các con của bà đối với người đàn ông này ra sao?
Các con tôi thương anh ấy lắm. Có lần tôi hỏi, tại sao các con thương chú như vậy thì các con tôi trả lời vì chú thương má. Thương má thì chúng con thích chú lắm. Người đàn ông hiện tại của tôi trông bên ngoài bặm trợn, râu quai nón nhưng lại hiền lành lắm.
Nói về chồng thì tôi đã có một người chồng tài hoa vô cùng. Nói về người thứ hai là một người bạn cuối đời (chứ không phải là người chồng) thì lại vô cùng anh hùng. Hai mẫu người mà người đàn bà nào cũng thích cả.
Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Tôi sinh ra ở Hàng Bồ nhưng được 3 tuổi thì gia đình di cư vào Nam. Thời bé, tôi chỉ biết đến Hà Nội qua những câu chuyện của ba mẹ và các anh chị. Tôi đã từng ước ao được một lần ra Hà Nội để về xem lại căn nhà nơi bố mẹ đã sinh ra tôi. Vì thế, lần này, khi được trở lại Hà Nội trong liveshow “Dạ khúc cho tình nhân” sẽ diễn ra vào tối nay (4/1) tại Nhà hát Lớn Hà Nội tôi mang nhiều cảm xúc lắm. Với tôi, Hà Nội là nơi tôi rất muốn đến một lần để sống lại những gì mình đã nghe kể về tuổi thơ của mình.
Hà Tùng Long