Hồi đầu tháng 7, ban nhạc The Velvet Sundown, vốn thu hút hơn một triệu lượt nghe hàng tháng trên Spotify - dịch vụ cung cấp nhạc, podcast và video kỹ thuật, thừa nhận mình là sản phẩm của AI. Cụ thể, trong phần tiểu sử, nhóm viết: "The Velvet Sundown là một dự án âm nhạc tổng hợp được định hướng sáng tạo bởi con người và sáng tác, lồng tiếng, hình ảnh hóa với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo... Không hẳn là con người. Không hẳn là máy móc. The Velvet Sundown sống đâu đó ở giữa".
Trước đó, từ tháng 6, The Velvet Sundown nổi lên như một hiện tượng với phong cách rock thập niên 1960 pha indie pop. Nhóm lần lượt ra mắt hai album là Floating On EchoesvàDust And Silence, lọt vào các bảng xếp hạng ở nhiều quốc gia.

Hình ảnh quảng bá của The Velvet Sundown. Ảnh: The Velvet Sundown
Tuy nhiên, sự vắng mặt hoàn toàn trong các buổi diễn trực tiếp, phỏng vấn cùng hình ảnh quảng bá mang dấu vết AI vấp phải làn sóng nghi ngờ từ cộng đồng mạng và giới chuyên môn. Khi những cáo buộc ban đầu xuất hiện, nhóm lên tiếng phủ nhận, gọi đó là "vô căn cứ".
Sau khi thừa nhận, ban nhạc định vị lại dự án - không phải là "trò lừa" mà là một thử nghiệm nghệ thuật. Phần tiểu sử cũng đề cập: "Đây không phải là một trò lừa bịp - đó là một tấm gương. Một sự khiêu khích nghệ thuật đang diễn ra để thách thức ranh giới về quyền tác giả, bản sắc và tương lai của âm nhạc trong thời đại AI". Nhóm tiếp tục hoạt động và phát hành album Paper Sun Rebellion hôm 14/7.

Bài hát "Dust on the Wind" sở hữu hơn 1 triệu lượt nghe, cao nhất trên kênh Spotify của nhóm. Video: The Velvet Sundown
Sự xuất hiện của nhóm nhạc "châm ngòi" cho nhiều cuộc tranh luận. Nói trên Guardian, các chuyên gia như Roberto Neri - Giám đốc điều hành Học viện Ivors và Sophie Jones - Giám đốc chiến lược của cơ quan thương mại âm nhạc British Phonographic Industry (BPI), cùng đề xuất về việc bắt buộc ghi nhãn rõ ràng với nội dung do AI tạo ra. Họ cho rằng người tiêu dùng có quyền được biết nguồn gốc của sản phẩm đang nghe. Việc thiếu minh bạch sẽ làm gia tăng lo ngại về sự đồng thuận và tin tưởng.
Ngoài ra, vấn đề bản quyền và sinh kế của nghệ sĩ cũng được quan tâm. Liz Pelly, tác giả của cuốn Mood Machine: The Rise of Spotify and the Costs of the Perfect Playlist, chỉ ra rằng các mô hình AI có thể được đào tạo bằng kho dữ liệu tác phẩm mà không có sự chấp nhận và trả phí cho người sáng tạo. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng và nguy cơ khai thác trái phép chất xám của nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ độc lập vốn đã chật vật trong nền kinh tế streaming. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta cần đảm bảo rằng không chỉ ngôi sao mới được bảo vệ quyền lợi, mà tất cả nghệ sĩ, dù ít người chú ý đến hơn, cũng phải có quyền biết tác phẩm của mình có đang bị sử dụng bất hợp pháp không".
Trước những phản ứng trên, Deezer, một nền tảng nghe nhạc trực tuyến, đã có những biện pháp đối phó với "nhạc ảo". Họ tự xây dựng phần mềm để phát hiện và gắn nhãn sản phẩm do AI tạo ra. Ông Aurélien Hérault, Giám đốc Đổi mới, nói: "Hiện tại, trong quá trình 'bình thường hóa AI', tôi nghĩ các nền tảng cần phải minh bạch và thông báo cho người dùng về những gì họ đang nghe". Tuy nhiên, Hérault đồng thời cho rằng việc gắn nhãn có thể sẽ không còn cần thiết trong tương lai, nếu nhạc AI trở nên phổ biến và các nhạc sĩ sử dụng nó như một công cụ thông thường.
Spotify có cách giải quyết khác. Phát ngôn viên của nền tảng này cho rằng họ chỉ là bên trung gian và trách nhiệm chính thuộc về các nhà cung cấp nội dung đã tải nhạc lên. Lập trường này đối diện những chỉ trích cho rằng đây là hành động thoái thác trách nhiệm. Nhiều người lo ngại điều này có thể khiến lặp lại sai lầm trong quá khứ của ngành streaming, nơi các công ty công nghệ lớn hưởng lợi còn người sáng tạo bị bỏ lại phía sau, không được bảo vệ công sức một cách chính đáng.
Khánh Linh (theo Guardian)