qdi7382-3read-only-1525057814987928723958.jpg

Cảnh trong vở Thầy Ba Đợi: tình yêu vừa chớm nở đã phải chia lìa giữa chàng trai Nguyễn Quang Đại và Ái Hoa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thầy Ba Đợi mở đầu vào năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi. Mang sứ mệnh của vua truyền phải giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế - hồn cốt của dân tộc, nhạc sư Nguyễn Quang Đại bôn ba vào Nam.

Trên đường bị lính Pháp truy lùng, ông được Ái Hoa - ái nữ của tổng đốc Đại Phong - cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu.

“Bấy lâu nay chúng ta thờ tổ nhưng thực sự không biết tổ cải lương là ai, không có nguồn gốc rõ ràng. Với vở diễn này chúng tôi có tham vọng: nên chăng người làm nghề công nhận công lao của thầy Ba Đợi như một trong những vị tổ của sân khấu cải lương?

Soạn giả Hoàng Song Việt

Thời gian đó, Quang Đại đã mở lớp dạy đàn truyền bá âm nhạc dân tộc. Tình yêu được nảy mầm giữa chàng trai tài hoa và cô tiểu thư xinh đẹp.

Nhưng tông tích Quang Đại bị bại lộ, vì bảo vệ người yêu, Ái Hoa đã chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngông cuồng, để rồi gánh chịu nỗi đắng cay của kiếp hồng nhan.

Quang Đại (lúc này là thầy Ba Đợi) tiếp tục xuôi về Cần Đước, Long An. Vẫn miệt mài với công việc truyền bá âm nhạc dân tộc, từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử. Và âm nhạc tài tử chính là linh hồn của âm nhạc cải lương.

Một trích đoạn Thầy Ba Đợi mừng trăm năm cải lương

Diễn xuất của diễn viên được chăm chút khiến nhiều phân đoạn gây cảm xúc mạnh. Bốn nghệ sĩ Xuân Vinh, Thanh Tuấn, Lê Tứ và Quang Khải cùng thể hiện nhân vật Quang Đại ở mỗi giai đoạn của cuộc đời.

Quế Trân ở độ chín muồi của nghề nghiệp là sự lựa chọn hợp lý cho nhân vật Ái Hoa. Võ Minh Lâm là một bất ngờ khá thú vị khi rũ bỏ hình ảnh kép đẹp để thử thách với vai kép độc lẳng.

Trong Thầy Ba Đợi, không thể không nhắc đến phần chuyển thể cải lương của Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng.

Hoàng Song Việt chia sẻ: "Chúng tôi chọn cách chuyển thể vở diễn hết sức mộc mạc, chân quê. Có những đoạn diễn viên ca mộc những bài rất hay như dân ca Huế, Lý giao duyên của dân ca quan họ và Lý giao duyên của miền Nam ngày xưa.

Dựng vở về nhạc sư Quang Đại không thể không có những bài bản tài tử mà ông có công hệ thống lại. Tuy nhiên, đặc thù tài tử bài nào cũng rất dài nên chúng tôi phải chắt lọc vài đoạn, vài câu để đặt để vào những trường hợp đặc biệt".

Sự mộc mạc ấy đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt khi người xem được nghe đã tai với những câu ca Huế, Lý giao duyên theo lối hát quan họ rất hay từ giọng ca nội lực của NSND Vương Hà (vai Công Tằng Tôn Nữ Thị Phượng) và NSƯT Thu Trang (vai Cải).

Những bỡ ngỡ trong buổi đầu tập luyện của nghệ sĩ hai miền nhanh chóng được xóa bỏ khi tất cả đều có khao khát làm nên một vở diễn đặc biệt.

qdi7392-2read-only-15250578098651259591666.jpg

Thầy Ba Đợi gửi gắm tiếng đàn cho học trò nơi dân dã - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ban đầu, trên sàn tập có chút e dè, nhưng cảm giác đó qua rất nhanh khi anh em nghệ sĩ chúng tôi tìm được tiếng nói chung. Có thể nói, giai đoạn tập và biểu diễn vở Thầy Ba Đợi là quãng thời gian đặc biệt trong cuộc đời làm nghệ sĩ của tôi.

Nghệ sĩ Quang Khải của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vào vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại giai đoạn từ Phú Xuân vào miền Nam xúc động

Trân trọng công lao của bậc tiền bối

Đây có thể xem là vở diễn đầu tiên tập trung khoảng 60 nghệ sĩ của hai miền Nam - Bắc.

Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, người khởi xướng thực hiện vở diễn, cho hay: "Việc thực hiện vở Thầy Ba Đợi không chỉ ôn lại quá trình hình thành của sân khấu cải lương mà còn góp phần khẳng định công trạng của nhạc sư Trần Quang Đại như sự tri ân vị tiền bối đáng kính!".

NSND Trần Ngọc Giàu - giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - cũng chia sẻ bối cảnh hiện nay thật sự rất khó cho những ai yêu quý cải lương và muốn làm tác phẩm phục vụ công chúng.

Vì vậy theo ông, tấm lòng của những người khởi xướng như Triệu Trung Kiên, tác giả Nguyễn Thế Kỷ trong dự án tập hợp nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc làm nên một tác phẩm mừng 100 năm cải lương là rất đáng quý nên cá nhân ông, Nhà hát Trần Hữu Trang và các nghệ sĩ đã hết lòng hỗ trợ và ủng hộ.

Một trích đoạn vở cải lương Thầy Ba Đợi

Ngày đầu lên sàn tập, anh chị miền Bắc thuộc tuồng làu làu, nghệ sĩ miền Nam có thói quen lên sàn mới học từ từ vì còn có sự chỉnh sửa. Thấy các anh chị thuộc tuồng quá nên mình... tức tốc về ôm cuốn tuồng học cho kỹ. Qua những buổi tập, càng thêm quý anh Kiên vì cách làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, biết trân trọng nghệ sĩ.

NSƯT Quế Trân có những cảm xúc riêng

Vở cải lương Thầy Ba Đợi được thực hiện không chỉ mang tính chất kỷ niệm 100 năm cải lương mà còn mong muốn công chúng biết đến và công nhận công lao của nhạc sư Trần Quang Đại.

Tuy nhiên, có chút tiếc nuối khi vở diễn chưa có những lớp diễn nhấn mạnh được vai trò, sự trăn trở của thầy Ba Đợi trong quá trình "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, ông phải kết hợp dân ca Nam Bộ như thế nào, sáng tác, cải biên hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử ra sao... Tất cả những việc làm đó của ông chủ yếu chỉ được truyền tải qua lời thoại của các nhân vật khác.

Khán giả Trần Định - nhà ở Q.3 - bày tỏ: "Phải nói đây là vở diễn đáng xem. Tuy nhiên, vở dành nhiều thời lượng cho chuyện tình cảm của ông mà chưa khắc họa đậm nét quá trình ông hệ thống hóa các bài bản tài tử, nên ấn tượng về công trạng của ông chưa thật sự sâu sắc!".

Một số khán giả cũng lấy làm tiếc về một màn hài khá dài khiến vở diễn có phần bị loãng.

photo1524974301560-15249743015601178395721.jpg Trăm năm nhưng muốn tồn tại và phát triển, cải lương phải thay đổi

TTO - 100 năm qua, nghệ thuật cải lương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Nhưng hiện sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn: tuoitre.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022