Thông tin này được bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên sáng 26/4.

Tại đại hội, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về dư nợ cho vay các doanh nghiệp, đặc biệt tại Bamboo Airways - hãng hàng không mà ngân hàng muốn tham gia hỗ trợ tái cấu trúc.

Tổng giám đốc Sacombank thông tin, dư nợ của Bamboo Airways tại ngân hàng tới 25/4 còn lại 3.583 tỷ và nằm nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Trước đây, khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và tài sản của Tập đoàn FLC. Nhưng sau khi nhóm cổ đông mới vào Bamboo, ngân hàng đã thuyết phục họ đưa thêm tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

Theo đó, hiện dư nợ của Bamboo Airways được đảm bảo bằng 100% bất động sản mới, cộng thêm bất động sản cũ và các cổ phiếu trước đây đã thế chấp. "Chắc chắn, khoản vay của Bamboo Airways không thể nào mất vốn. Tài sản đảm bảo mà chúng tôi nhận là tài sản tại TP HCM và có giá trị, thanh khoản cao", bà Diễm nói.

z5385303448144-44bad30af7189fc-5507-7965-1714115849.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P8-vdV1Gs73GUAh2AiR3ww

Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm tại đại hội cổ đông thường niên sáng 26/4. Ảnh: Sacombank.

Tại đại hội, Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh, lấy ví dụ nhiều khoản nợ của doanh nghiệp lớn tại Sacombank, từng được tạo điều kiện và sau đó đều thu hồi được.

"Khi chúng tôi vào Đồng Tâm, họ đang nợ gần 10.000 tỷ và họ không có khả năng trả nợ. Tất cả tài sản cũng không thể giao dịch đảm bảo. Chúng tôi với vị trí của các chủ doanh nghiệp, lúc đó đã mạnh dạn đề xuất với ban điều hành nhà băng về chủ trương lấy nợ nuôi nợ", ông Minh kể lại. Theo đó, Sacombank đã tiếp tục cho Đồng Tâm vay để họ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và có tài sản đi bán. Hiện nay, họ đã gần như trả nợ hết.

"Hay như Ngân hàng Nam Á cũng từng vay chúng ta để mua cổ phần của Eximbank. Chúng ta cũng cho họ vay để họ hoàn thành các dự án bất động sản, xong rồi họ bán đi, có tiền trả lại cho chúng ta", ông Minh nói với các cổ đông.

Tại đại hội, cổ đông đặt thêm nhiều câu hỏi về một số khoản nợ của LDG sau khi lãnh đạo bị bắt, cùng với tiến độ xử lý nợ của Khu công nghiệp Phong Phú.

Với khoản nợ của Khu Công nghiệp Phong Phú, lãnh đạo Sacombank cho biết khoản nợ gốc là 5.134 tỷ và lãi dự thu 2.700 tỷ. Tổng vốn tồn đọng khoảng 7.900 tỷ. Sau 18 lần đấu giá, Sacombank đã đấu giá thành công và thu một phần nợ. Tuy nhiên, diện tích tài sản đảm bảo có cả phần chưa đền bù giải tỏa. Do đó, sau khi đấu giá thực trạng khoản nợ thành công, vẫn phải có thời gian để bên mua nợ có thời gian hoàn thành pháp lý. Do đó, với phần nợ còn lại, Sacombank nói đã cho đối tác thời hạn 2 năm để hoàn trả.

Còn với Công ty cổ phần LDG (doanh nghiệp vừa có lãnh đạo bị bắt), đơn vị này có dư nợ tính tới 24/4/2024 tại Sacombank là 690 tỷ và là nợ nhóm 1, đã trích lập dự phòng theo đúng quy định. Các tài sản đảm bảo, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, là bất động sản có giá trị rất cao.

Phương án cổ tức sau 8 năm không chia cũng là vấn đề được quan tâm tại đại hội. Nhiều năm nay, Sacombank nằm trong diện tái cơ cấu nên theo quy định, không được phép chia cổ tức.

Bà Lê Thị Kim Cúc, 71 tuổi, người tự nhận là cổ đông kỳ cựu theo dõi từ lúc Sacombank vẫn là hợp tác xã tín dụng, nói rất mong ngóng Ngân hàng Nhà nước sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu. Bà kể "chưa bán một cổ phiếu nào STB nào" và mong những cổ đông, đặc biệt người cao tuổi như mình được hưởng quyền lợi từ đồng tiền đã bỏ ra nhiều năm.

Vướng mắc duy nhất khiến Sacombank chưa "về đích" tái cơ cấu, theo lãnh đạo nhà băng, là do khoản nợ của ông Trầm Bê.

Với đề tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết đã có tờ trình Ngân hàng Nhà nước trên 6 tháng. Ngân hàng Nhà nước cơ bản đồng thuận về chủ trương theo phương án Sacombank đưa ra tuy nhiên cơ quan quản lý cũng cần thời gian xem xét lại, để trình Thủ tướng phê duyệt lần cuối.

"Tôi tin rằng, trong năm nay phương án này sẽ được phê duyệt. Từ đó, chúng tôi sẽ đem cổ phiếu của ông Trầm Bê bán đấu giá công khai trên nguyên tắc minh bạch, cũng như đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng", bà Diễm chia sẻ.

Chủ tịch Sacombank cũng chung kỳ vọng ngân hàng tái cơ cấu thành công trong 2024. Ông nói thêm, 100% khoản nợ được ngân hàng thanh lý một cách công khai, minh bạch. Ông cho biết mình và những người có liên quan không tham gia mua bất kỳ một món nợ nào, cũng như không trông chờ kiếm lợi gì từ những việc này.

Nhìn lại hành trình tái cơ cấu, ông Dương Công Minh chia sẻ, lãi dự thu lớn khiến ngân hàng từng âm vốn chủ sở hữu. Một loạt chỉ số khác đều rất thấp, nếu chiếu theo quy định pháp luật, Sacombank đáng lẽ thành một trong 5 ngân hàng 0 đồng thời điểm đó, có nghĩa là cổ đông coi như mất toàn bộ vốn. "Lúc đó Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cơ cấu, tức là đã ưu ái cho chúng ta, cổ đông mới giữ lại được tài sản", ông Minh chia sẻ.

Sau 7 năm tái cơ cấu, Sacombank hiện có vốn chủ sở hữu 45.000 tỷ đồng. So với lúc bắt đầu cơ cấu, tổng tài sản từ 355.000 tỷ lên 674.000 tỷ, tăng 89%. Dư nợ tín dụng từ 222.000 tỷ hiện lên 482.000 tỷ đồng. Tổng tỷ lệ nợ xấu và tài sản tồn động từ 94.000 tỷ trên dư nợ 222.000 tỷ, tức tỷ lệ nợ xấu 42% về chỉ còn 6,9%. Tài sản không sinh lời 113.000 tỷ đồng hiện này còn 70.000 tỷ.

Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10%. Mục tiêu này, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, là thấp so với các ngân hàng bạn, tuy nhiên, phù hợp với bối cảnh ngân hàng dành nguồn lực tái cấu trúc.

Bên cạnh đó, nhà băng đặt mục tiêu tổng tài sản đến hết năm nay đạt 724.100 tỷ đồng, tăng 10%. Nguồn vốn huy động tăng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% đạt 535.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022