Nguồn kinh phí tài trợ 220 tỷ đồng dành riêng cho các học viên, nghiên cứu sinh và tiến sĩ trẻ. Qua đó, quỹ góp phần tạo ra 500 bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, 1.000 bài báo chuyên ngành và báo cáo hội thảo, hàng chục bằng sáng chế - giải pháp hữu ích, hàng trăm giải thưởng khoa học công nghệ. Đi cùng là nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trung, chất lượng cao với 1.500 thành viên và sẽ ngày càng gia tăng.

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VinIF, cho biết, việc "coi nghiên cứu khoa học là một nghề", vốn hiển nhiên với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Các học viên, nghiên cứu sinh, học giả sau tiến sĩ hay nhà nghiên cứu chuyên nghiệp đều học tập, làm khoa học trong một hệ thống nhiều đề tài, dự án, hướng nghiên cứu được tài trợ, đầu tư mạnh mẽ. Trong hầu hết phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới, các nghiên cứu viên chỉ phải quan tâm đến một mục đích duy nhất là tạo ra thành quả khoa học mới.

1-5741-1710930888.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SZOe0g2hfnxfFgmtdS2HkA

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VinIF. Ảnh: NVCC

Theo Giáo sư, trước đây tại Việt Nam, điều này không hề đơn giản. Bởi người trẻ theo đuổi niềm đam mê khoa học và sáng tạo phải bươn chải ở xã hội để kiếm sống nhằm trang trải mọi chi phí học tập, nghiên cứu. Quỹ VinIF ra đời năm 2018 với mong muốn sẽ tạo ra một văn hóa làm nghiên cứu mới tại Việt Nam. "Nơi người trẻ coi làm khoa học là một nghề được trả lương, với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm", GS. Vũ Hà Văn định nghĩa.

Thời điểm đó, tuyên bố này là điều lạ với số đông. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, đội ngũ VINIF đã làm được việc khó ấy cho hàng nghìn nhà khoa học trẻ. Nghiên cứu sinh Huỳnh Lê Thái Bão (được bình chọn Forbes Under 30 năm 2022) cho biết VINIF đã giúp đỡ anh rất nhiều trong giai đoạn khó khăn, hỗ trợ việc học tập nghiên cứu và đạt nhiều thành tích.

"Ngay trong năm đầu, tôi đã có các bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín và bước đầu phát triển sản phẩm ứng dụng nghiên cứu đó, tạo ra công cụ đánh giá bàn chân đái tháo đường dành cho người Việt Nam", Bão nói.

Giám đốc khoa học Quỹ VinIF phân tích, đã là một nghề, tất nhiên phải gắn với quyền lợi và trách nhiệm. Quyền lợi là các bạn trẻ được trả lương ở mức và cách thức mới; trách nhiệm tức phải đáp ứng được những điều mà chính mình cam kết. Đó là tinh thần của các chương trình tài trợ học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ của Quỹ VinIF, khởi chạy ngay từ đầu năm 2019.

2-JPG-3174-1710930888.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YFov74dBkj8GT2B-cJ2P2A

Lãnh đạo Quỹ VinIF và các trường đại học, viện nghiên cứu trong buổi tọa đàm hỗ trợ nhà khoa học trẻ ngày 8/12/2022. Ảnh: VinIF

Hàng năm, quỹ cấp hàng trăm suất học bổng sau đại học. Việc xét chọn thực hiện trên hàng nghìn hồ sơ thông qua nhiều vòng thẩm định, đánh giá bởi các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong đa lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, y dược và giáo dục. Đơn vị tài trợ theo triết lý tập trung nguồn lực vào những người trẻ xuất sắc, bởi họ có thể tạo ra sản phẩm khoa học thực sự chất lượng. Đội ngũ này đồng thời tạo động lực cho thế hệ tiếp theo, từ đó hình thành cộng đồng nhà khoa học chính trực và có trách nhiệm với xã hội. Sau 5 năm, đã có 1.500 nhà khoa học trẻ nhận các học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ từ quỹ.

1.500 nhà khoa học này đều thuộc câu lạc bộ VinIF Alumni, được kỳ vọng đóng góp cho tương lai của nền khoa học công nghệ Việt Nam. Trong ngày đầu thành lập câu lạc bộ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Alumni có vai trò rất quan trọng.

"Tôi nghĩ rằng với số lượng và chất lượng thành viên như vậy, VinIF Alumni phải là một cộng đồng truyền được lửa cho nhiều người Việt Nam hơn nữa để học tập, hội nhập và có thể cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế, đồng thời lan tỏa các giá trị của quỹ đến xã hội", PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

3-JPG-7738-1710930888.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YokNFhWPGRSXWGwKh50VVw

Hoạt động trao đổi học thuật thường xuyên của câu lạc bộ VinIF Alumni. Ảnh: VinIF

Hiện quỹ có nhiều hỗ trợ hoạt động của câu lạc bộ này thông qua các tọa đàm, hội thảo, bài giảng đại chúng, tạo cơ hội để nhà khoa học trẻ gặp gỡ, trao đổi, học hỏi từ chuyên gia trong nước, quốc tế. Đơn cử, đơn vị thực hiện chuỗi bài giảng "Lý thuyết học máy cần thêm gì nữa?", thuyết trình bởi GS. Leslie Valiant (Đại học Harvard, Giải Turing); "Vật chất lượng tử Tôpô, sự vướng víu và cách mạng lượng tử lần thứ 2", với sự trình bày của GS. Duncan Haldane (Nobel Vật lý 2016). Một số chương trình khác như: hội thảo Khoa học mở dưới các góc nhìn; Các bài giảng đại chúng về phát triển bền vững; Xác định hướng đi trước sự phát triển và tác động của một số công nghệ mới; Ngày Toán học Quốc tế 2024... Loạt sự kiện thu hút hàng chục nghìn người tham dự trực tiếp, hàng trăm nghìn người xem qua kênh online và nhiều trường, viện, báo chí viết bài, tiếp sóng.

TS. Nguyễn Ý Như, ứng viên nhận học bổng sau tiến sĩ của VinIF cho biết, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Nhật và trở về nước công tác, cô đã có một khoảng thời gian giậm chân tại chỗ. Học bổng sau tiến sĩ từ quỹ giúp cô tìm lại cơ hội định hướng lại bản thân và tập trung vào các nghiên cứu đã ấp ủ từ trước, tiếp tục duy trì đam mê.

Tại VinIF Alumni, có hàng trăm bạn trẻ như Ý Như, tốt nghiệp tiến sĩ từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới quay trở lại Việt Nam làm nghiên cứu. VinIF đóng một vai trò không nhỏ trong "làn sóng" dịch chuyển tri thức này, thông qua chương trình tại trợ học bổng sau tiến sĩ. Từ đó, đơn vị muốn gửi gắm thông điệp: môi trường nghiên cứu trong nước đáp ứng kỳ vọng của các nhà khoa học Việt Nam có năng lực.

4-1519-1710930888.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8kNNI7zRKAT5zhWqc96SVQ

Các thành viên câu lạc bộ VinIF Alumni trong Lễ công bố các chương trình tài trợ của Quỹ VinIF trong năm 2023, diễn ra vào ngày 16/1. Ảnh: VinIF

Bên cạnh các hoạt động xây dựng giá trị cốt lõi, trong nhiều năm, câu lạc bộ VinIF Alumni luôn có thành viên đoạt những giải thưởng khoa học và công nghệ. Năm 2023, trong 10 ứng viên giành giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023, có tới 4 người đã và đang nhận học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ hoặc dự án nghiên cứu do VinIF tài trợ. Các ứng viên nhận giải đều có công trình nghiên cứu nổi bật và tác động tích cực tới xã hội, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học dữ liệu - trí tuệ nhân tạo, y học, sinh học, công nghệ môi trường.

"Con số 220 tỷ đồng tài trợ có thể lớn, nhưng hiệu quả mang lại rất xứng đáng, thậm chí 'rẻ' khi so sánh với số tiền hàng trăm triệu USD mà quỹ trên thế giới phải bỏ ra để đạt được sức lan tỏa tương tự", GS. Vũ Hà Văn đánh giá.

Ngoài mạng lưới Alumni ở 63 tỉnh, thành trên cả nước, quỹ còn cấp học bổng cho nhiều ứng viên khác trên toàn thế giới. Cũng theo GS. Vũ Hà Văn, điều này tạo cảm hứng mạnh mẽ để nhiều cơ sở thiết lập chính sách khoa học công nghệ, hình thành thêm mô hình tài trợ, đầu tư. GS. Lê Quân Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhờ nguồn cảm hứng từ VinIF, trường đã ban hành quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sĩ. Mức hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu một năm cho nghiên cứu sinh và 120 triệu một năm cho tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu, công bố quốc tế xuất sắc.

Chương trình tài trợ thạc sĩ khoa học dữ liệu còn giúp mở ra hai ngành mới là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho đào tạo trình độ đại học, sau đại học, theo chia sẻ của PGS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. Trường một trong những đơn vị tiên phong trong việc mở hai ngành trên, nhờ có sự tài trợ của VinIF.

Minh Huy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022