Lon-hoang-da-7670-1714250479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pH66YyIDcslDZG8hqtCb_Q

Động vật ở khu vực Chernobyl. Ảnh: Đại học Georgia

Cách đây gần 40 năm, vào ngày 26/4/1986, vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, đánh dấu một thảm kịch khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Những đám mây độc hại lan rộng khiến khoảng 8,4 triệu người phơi nhiễm với phóng xạ hạt nhân. Hơn 250.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 100.000 trường hợp tử vong.

Liên Xô thiết lập "Vùng cấm Chernobyl" rộng 2.700 km2 xung quanh nhà máy, dựng hàng rào với bán kính khoảng 30 km và cấm người dân tiếp cận do ô nhiễm. Ngoài những tổn thương mà con người phải gánh chịu đến nay, thảm họa Chernobyl còn tàn phá cảnh quan khi gây thiệt hại lớn cho các sinh vật và cơ sở hạ tầng.

Năm 2016, Liên Hợp Quốc chọn 26/4 là Ngày Tưởng niệm Thảm họa Chernobyl Quốc tế để tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng, tôn vinh cuộc sống của con người và suy ngẫm những bài học từ thảm họa nhằm hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Các nhà sinh thái học phóng xạ coi những nơi mà con người phải sơ tán như Chernobyl là cơ hội hiếm để nghiên cứu xem chuyện gì sẽ xảy ra khi con người rời khỏi cảnh quan đó. "Phóng xạ lan tỏa xung quanh chúng ta ở mức rất thấp. Bằng cách nghiên cứu tác động của việc phơi nhiễm và sử dụng những cảnh quan này làm mẫu hình, chúng tôi có thể hiểu thêm về những tác động rộng lớn hơn ngoài Đông Âu và Nhật Bản (nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011)", Interesting Engineering hôm 26/4 dẫn lời Jim Beasley, nhà nghiên cứu tại Đại học Georgia.

Chernobyl trải qua tổn thất lớn về người, nhưng các nhà sinh thái học kinh ngạc khi phát hiện sinh vật hoang dã đã tiếp quản nơi này. Sự vắng mặt của con người khiến thực vật phát triển mạnh, chiếm lĩnh các công trình kiến trúc. Động vật quay trở lại, thiết lập môi trường sống trong các công trình từng là nhà ở, tòa văn phòng hoặc trường học. Nhiều nơi tại Chernobyl ngày nay trông giống một khu bảo tồn thiên nhiên - điều trước đó không ai ngờ đến.

"Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ thảm họa, mức phóng xạ giảm do sự phân rã phóng xạ và chúng tôi chứng kiến sự hồi sinh của một cộng đồng sinh vật hoang dã đa dạng trong vùng cấm", Beasley cho biết. Dù các quần thể sinh vật phát triển tốt, giới nghiên cứu vẫn không rõ chính xác phóng xạ ảnh hưởng đến động vật như thế nào, kể cả với số lượng nhỏ. Do đó, họ muốn thu thập thêm dữ liệu.

Soi-hat-nhan-4382-1714250479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IM5aWbJClew3SnG0pYnUpw

Sự hiện diện của động vật săn mồi quan trọng tại Vùng cấm Chernobyl, trong đó có sói, giúp các nhà khoa học thấy rằng sinh vật hoang dã đang phát triển mạnh ở khu vực ô nhiễm. Ảnh: Jim Beasley

Nhóm chuyên gia tại Đại học Georgia đã phát triển mẫu vòng cổ dành cho động vật để nghiên cứu bức xạ ở những nơi con người không thể sinh sống và cũng nguy hiểm nếu tiến vào. Phương pháp này cũng phù hợp vì họ không thể di dời động vật hoang dã, đặc biệt là khi chúng đã tiếp xúc với phóng xạ.

Năm 2012, Beasley cùng một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã tới Chernobyl để gắn vòng cổ cho những con sói trong vùng cấm. Vòng cổ giúp thu thập dữ liệu nhanh chóng và gửi đến máy tính thông qua vệ tinh.

Thời điểm đó, Beasley và các nhà khoa học khác có niềm tin chung rằng các quần thể sẽ suy giảm mạnh hơn ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao hơn. Nhưng khi đeo vòng cổ cho những con sói trong vùng cấm và khởi động các nghiên cứu khác để ước tính quần thể, họ nhận thấy điều đó hoàn toàn không đúng.

Các quần thể của động vật có vú kích thước lớn đã tăng lên sau khi con người rời đi. Chúng phân bố rộng rãi khắp vùng cấm, kể cả những khu vực ô nhiễm nặng hơn xung quanh nhà máy cũ. "Các loài như linh miêu Á-Âu và gấu nâu đã xâm chiếm khu vực này một cách tự nhiên", Beasley nói. Một điều bất ngờ là Chernobyl thậm chí trở thành nơi trú ẩn an toàn để các nhà khoa học đưa những loài vật đang bị đe dọa trở lại, ví dụ bò bison châu Âu và ngựa Przewalski.

Không gì có thể xoa dịu được những tổn thất mà thảm họa Chernobyl đã gây ra cho con người. Tuy nhiên, việc động vật hoang dã dường như vẫn có thể sinh tồn, thậm chí phát triển mạnh, sau gần 40 năm mang đến một bức tranh đầy hy vọng. Các nhà khoa học cũng có thể tiếp tục sử dụng địa điểm này để phát triển những công cụ mới và thực hiện những nghiên cứu ý nghĩa về phóng xạ.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022