Tháng 12/2024, em tốt nghiệp Đại học Công nghệ Auckland (AUT, New Zealand). Hiện, em học một bằng thạc sĩ tại AUT và một bằng thạc sĩ ở Đại học Harvard (Mỹ)”, Alisa Pham (Phạm Vi An, 14 tuổi) - cử nhân trẻ tuổi nhất New Zealand và Việt Nam - mở đầu buổi trò chuyện.

Alisa sinh ra ở Hà Nội, 7 tuổi chuyển đến New Zealand. Ba năm trước, khi mới 11 tuổi, cô bé trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất AUT. Em cũng là thành viên của Mensa New Zealand (cộng đồng những người có IQ thuộc nhóm 2% dân số thế giới).

Đáng chú ý, tháng 6/2025, tại Quốc hội Anh (London), Alisa được Tổ chức thần đồng thế giới (Global Child Prodigy Award) công nhận là một trong 100 thần đồng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục. Đây là lần thứ hai cô bé nhận được danh hiệu này.

vi-an-09380401-1752554459070-17525544593591577290368.png

Alisa được vinh danh là một trong 100 thần đồng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục.

Thần đồng cũng gặp thách thức ở đại học

Ba năm trôi qua, cô bé “thần đồng” có mái tóc ngắn ôm lấy gương mặt bầu bĩnh ngày nào giờ đã lớn hơn, nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, tinh nghịch đúng lứa tuổi. Alisa cười rạng rỡ khi chia sẻ về câu chuyện của mình, đôi mắt lấp lánh niềm vui và sự tự tin của một người đã tìm thấy con đường riêng.

Alisa theo học cử nhân Truyền thông chuyên ngành Thương hiệu và Quảng cáo tại AUT. Cô bé đã học rất nhanh. Trong khi các sinh viên khác chỉ học 4 môn, Alisa thường đăng ký 6-7 môn mỗi kỳ và học thêm cả kỳ hè mà không thấy quá tải.

Chia sẻ bí quyết của mình, cô bé khẳng định thời gian học không quá nhiều so với các bạn khác, nhưng khi đã ngồi vào bàn sẽ hoàn toàn tập trung. “Em thích vẽ tranh, thường sẽ tốn 2-3 giờ mỗi ngày. Vì vậy, em thường tập trung để học xong sớm, có nhiều thời gian hơn cho sở thích của mình”, Alisa kể.

Ngoài tập trung, Alisa thường đến trường sớm hơn 1 tiếng trước khi lớp học bắt đầu và ở lại thư viện để tự học từ 15h đến 19h. Nhờ vậy, khi về nhà, cô bé sẽ chỉ giải trí và nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, thần đồng Việt cũng luôn chuẩn bị bài trước ở nhà, đặc biệt là các buổi học kéo dài 8 giờ. Cô bé hiểu rằng dù khả năng tiếp thu có cao đến đâu thì trong một ngày học dài, tốc độ sẽ bị giảm sút.

Vì vậy, Alisa không thể chủ quan, đợi đến lớp mới bắt đầu xem bài. Việc chuẩn bị trước giúp Alisa hiểu bài nhanh hơn, dễ dàng trả lời câu hỏi của giảng viên và đặt ra các câu hỏi phản biện.

“Nhiều người mặc định em là thần đồng nên cứ nghe là hiểu. Nhưng thực tế, với kiến thức mới mẻ, ai cũng gặp khó khăn. Với em, thần đồng không phải là người tiếp thu nhanh hơn người khác, mà là người kiên trì hơn và kiên định với mục tiêu”, cô bé nói.

Song, dù có năng lực vượt trội, Alisa vẫn gặp một số khó khăn trong những năm đại học. Mỗi lớp học của Alisa có tới 60-70 sinh viên, các bạn học của cô bé là những người 20-30 tuổi, thậm chí là 30-45 tuổi với các mục tiêu học tập khác nhau.

Khi được giảng viên phân ngẫu nhiên vào các nhóm học tập, một số bạn học của Alisa thường chỉ nghĩ đến việc qua môn (đạt điểm C), trong khi cô bé luôn đặt mục tiêu cao nhất (điểm A) để khai thác năng lực học tập của mình.

Chính vì điều này, đôi khi, Alisa gặp phải tình trạng các bạn cùng nhóm thiếu tập trung, không có tính cam kết khi làm bài, không phản hồi tin nhắn hoặc email. Có lần, sát ngày nộp bài, một bạn học 41 tuổi còn thông báo đang ở bệnh viện chuẩn bị sinh em bé.

vickyalisameetmpdavidseymou-09394416-1752554461858-1752554461979474380629.png

Alisa và chị gái Vicky Ngo (Ngô Ngọc Châu) trong cuộc gặp Phó thủ tướng New Zealand David Seymour. Vicky cũng là thành viên của Mensa, em tốt nghiệp đại học năm 14 tuổi.

Ban đầu, Alisa bối rối, hoang mang, thậm chí khóc vì không biết cách xử lý việc thiếu hợp tác này. Kỳ học đầu, Alisa chỉ biết làm cả phần việc của các bạn để đảm bảo hiệu quả chung. Tuy nhiên, từ kỳ học thứ hai, cô bé đã học được cách quản lý nhóm và điều phối công việc. Alisa đặt ra thời hạn, chủ động tổ chức các cuộc họp nhóm và thúc đẩy mọi người hoàn thành nhiệm vụ.

Dù vậy, việc đặt ra deadline với những bạn học hơn mình 25-30 tuổi không dễ dàng. Cô bé từng gặp rào cản tâm lý về việc này và phải học cách tự điều chỉnh bản thân để thích nghi với hoàn cảnh.

“Em cũng học cách tự bảo vệ mình và nâng hiệu quả làm việc bằng cách ghi lại biên bản cuộc họp, gửi cho cả nhóm và giáo viên, tránh xung đột sau này” , cô bé chia sẻ.

Trong gần 2 năm, Alisa hoàn thành 22/24 môn học, dự kiến tốt nghiệp sớm theo đúng kế hoạch ban đầu. Song, ở 2 môn cuối, giảng viên bị trùng lịch, cô bé phải chờ thêm một năm để hoàn tất chương trình học của mình.

Học song song hai bằng thạc sĩ

Cuối năm 2024, sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, Alisa phân vân giữa việc học thạc sĩ ở New Zealand, sang Mỹ học thẳng lên tiến sĩ hay đi làm ở công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi nhận thấy chương trình đại học của mình chỉ vừa sức và được trải nghiệm thực tế với công việc trợ lý nghiên cứu cho giảng viên, cô bé nhận ra tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc giải quyết các vấn đề vĩ mô của xã hội.

“Em đã thực hiện nghiên cứu về sự thờ ơ của sinh viên đối với các hoạt động biểu tình tại các trường đại học New Zealand. Quá trình này giúp em có cái nhìn sâu sắc hơn về thực tế xã hội. Em hiểu rằng mình có thể đi làm bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng chỉ khi còn trẻ, em mới có thể giải quyết những vấn đề lớn của xã hội thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học”, Alisa chia sẻ.

Đầu năm 2025, cô bé quyết định học thạc sĩ Trí tuệ nhân tạo và An ninh mạng tại AUT. “Em bị cuốn hút vì nhiều người nói AI và An ninh mạng khó, có tính ứng dụng cao. Cùng với đó, em được giáo sư chuyên ngành khuyến khích, vì vậy, em thử sức xem đến đâu”, Alisa giải thích.

Ngành học này vốn yêu cầu đầu vào bắt buộc là bằng cử nhân chuyên ngành về tin học hoặc toán. Để đáp ứng, trong 3 tháng hè, Alisa đã tự học toàn bộ chương trình đại học về công nghệ thông tin thông qua các khóa học miễn phí trên mạng.

Cô bé đã nộp đề tài nghiên cứu thạc sĩ của mình và trải qua phỏng vấn chuyên môn với hội đồng thẩm định. Sau 2 tháng, nữ sinh được chấp nhận vào học, bỏ qua điều kiện về bằng cử nhân chuyên ngành. Cùng lúc, Alisa cũng theo đuổi bằng thạc sĩ thứ hai tại Đại học Harvard (học từ xa). Em chọn học ngành Tâm lý học để hiểu sâu hơn về tâm lý, hành vi con người cũng như cách não bộ vận hành.

Mục tiêu cuối cùng của Alisa là kết nối hai lĩnh vực này. Em muốn hiểu rõ những khía cạnh mà con người có thể làm được và AI chưa/không thể thay thế. Từ đó, Alisa tìm ra cách để kiểm soát và định hướng AI, đảm bảo công nghệ phục vụ con người một cách hiệu quả và có trách nhiệm, thay vì bị chi phối.

Cô bé đặt mục tiêu hoàn thành bằng thạc sĩ tại New Zealand vào cuối năm nay và thạc sĩ Harvard trong một năm nữa, sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ ở tuổi 15.

hoc-09413583-1752554463340-17525544634921306298530.png

Ngoài học tập và nghiên cứu, Alisa cũng dành thời gian tham gia hoạt động xã hội.

Học tập không vì danh hiệu thần đồng

Alisa cho hay em không hề áp lực với danh hiệu thần đồng. Mục tiêu học tập của cô bé là khám phá năng lực bản thân, không phải để lập kỷ lục hay theo đuổi danh hiệu.

“Em không quan tâm đến việc được tôn vinh là thần đồng mà muốn được biết đến như một người có đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là Việt Nam”, Alisa nhận ra rằng việc học nhanh hơn giúp em tiết kiệm thời gian, khoảng 7-10 năm so với các bạn cùng trang lứa. Điều này sẽ giúp cô bé cống hiến cho xã hội sớm hơn và có thêm nhiều thời gian để làm việc có ích.

Tốt nghiệp đại học, Alisa nói đã bước sang giai đoạn hai của cuộc đời là nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Hiện, cô bé đang phát triển một ý tưởng kinh doanh, tập trung vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo đó, Alisa muốn áp dụng công nghệ AI, an ninh mạng và thuật toán blockchain trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng việc thiết lập một nền tảng mở, cho phép người dùng có thể trồng cây và có nguồn thu từ việc này (thông qua việc bán chứng chỉ carbon).

“Ngay cả trẻ em 5-7 tuổi cũng có thể bắt đầu trồng cây và có thu nhập thụ động. Em đã thuyết trình ý tưởng này với một số nhà đầu tư và nhận được phản hồi tích cực”, cô bé kể.

Học hai bằng thạc sĩ, có dự án khởi nghiệp ở tuổi 14, Alisa vẫn giữ được sự hồn nhiên của một đứa trẻ. Cô bé vẫn thích ngủ nướng, vẽ tranh, chơi thể thao, ôm chó bông khi học bài và trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa.

“Em vẫn đi lạc vì trường quá rộng hoặc phải nhờ chị gái chỉ tuyến xe buýt vì hay nhầm lẫn”, cô bé cười khúc khích, ngại ngùng khi kể về sở đoảng của mình.

Ngoài ra, Alisa cũng thường dành cuối tuần cùng gia đình và bạn thân tham gia hoạt động xã hội ở New Zealand và các dự án cộng đồng ở Việt Nam. Từ năm 9 tuổi, em và chị gái đã hoạt động tích cực tại dự án Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái, trao tặng số lượng lớn sách cho các bạn nhỏ ở quê hương.

Sắp tới, Alisa dự định về thăm Việt Nam. Cô bé mong muốn được nói chuyện với học sinh cấp hai, cấp ba ở đây để hướng dẫn các bạn phương pháp học tập, truyền cảm hứng và giúp tìm kiếm học bổng du học. “Ngoài ra, em rất muốn dự thính các môn Lịch sử, Địa lý và Ngữ văn tại các trường học ở Việt Nam để bù đắp kiến thức về văn hóa dân tộc”, cô bé chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022