Hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ, đặc biệt là nhu cầu ăn uống, đang gia tăng nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu này, ngày càng nhiều hàng quán vỉa hè mọc lên khắp nơi. Nhiều chủ quán đã bất chấp pháp luật, biến không gian công cộng thành không gian kinh doanh tư nhân, tạo nên cảnh tượng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân địa phương.
Điển hình, tại khu vực giao giữa phố Hồ Đắc Di và phố Đặng Văn Ngữ, vỉa hè trước các quán ăn, quán nhậu luôn đông đúc cả ngày lẫn đêm. Thực khách ngồi tràn lan chiếm hết một nửa vỉa hè, trong khi nửa còn lại trở thành bãi đỗ xe của quán và khách hàng, khiến lối đi dành cho người đi bộ bị thu hẹp, gây bất tiện và nguy hiểm.
Xe cộ được dựng sát cạnh bàn ăn, tận dụng tối đa diện tích vỉa hè và lòng đường, tạo ra cảnh tượng lộn xộn.
Đây vốn dĩ là không gian vỉa hè rất rộng rãi phía trước mặt khu tập thể cũ. Thế nhưng, giờ đây, người dân sống trong khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn khi di chuyển trên vỉa hè, buộc phải "lách" qua giữa dòng thực khách và bãi đỗ xe, gây nhiều bất tiện và mất an toàn.
Lối đi từng rộng rãi nay bị thu hẹp thành những khoảng nhỏ, buộc người đi bộ phải luồn lách giữa hàng xe máy để có thể di chuyển.
Hàng trăm chiếc xe chen chúc, lấp kín lòng đường, hầu như không còn khoảng trống nào để di chuyển.
Những khoảng trống ít ỏi còn lại cũng bị biến thành nơi ăn uống, với bàn ghế xếp lộn xộn, chắn ngang lối đi, gây cản trở cho người di chuyển.
Không chỉ vỉa hè bị lấn chiếm, ngay cả khu vực trồng cây xanh cũng bị "tận dụng" để đỗ xe. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều bụi hoa bị lụi tàn, đất đai trở nên khô cứng, không còn thuận lợi cho cây cối phát triển.
Nhiều cây xanh đã bị lụi tàn do xe cộ thường xuyên ra vào quán ăn, "nhường chỗ" cho phương tiện và lò nướng của các cơ sở này.
Đáng chú ý, tình trạng lấn chiếm lòng đường trở nên nghiêm trọng hơn khi xe chở thực phẩm đỗ chắn phần lớn diện tích đường, cản trở phương tiện khác. Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ xe xuống cũng làm gián đoạn giao thông, buộc người đi đường phải di chuyển ra giữa đường, sát với dòng xe ngược chiều, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
Vào giờ cao điểm, việc di chuyển vốn đã khó khăn nay càng phức tạp hơn. Các phương tiện liên tục ra vào hàng quán, di chuyển theo nhiều hướng, gây hỗn loạn và làm tình trạng giao thông thêm ách tắc.
Đặc biệt, nhiều quán thịt nướng ngang nhiên dựng lò nướng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè. Khói từ các lò nướng, mùi than đốt và rác thải do các quán ăn thải ra gây ô nhiễm không khí, buộc những người di chuyển qua đoạn đường này phải đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi than. Hơn nữa, việc buôn bán thực phẩm ngay cạnh các xe chứa rác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của khách hàng.
Những lò nướng lớn đặt ở giữa đường tiềm tàng nguy cơ mất an toàn vệ sinh.
Người dân khó chịu vì mùi rác thải chất đống trước những quán ăn.
Không chỉ buôn bán lấn chiếm vỉa hè lòng đường, dẫu đã có biển cấm vứt rác trên khuôn viên, các chủ quán ăn vẫn vô tư vứt rác sai quy định
Bà Nguyễn Thị Tới, một người dân trong khu vực, bày tỏ: "Tôi bức xúc lắm! Đi lại thì khó khăn, khói bụi ô nhiễm suốt ngày, làm chúng tôi mệt mỏi lắm. Quán xá còn bán tới khuya, người già như tôi làm sao mà ngủ cho yên!"
Cùng ý kiến, anh Tuấn - gia đình sống lâu năm tại khu vực chia sẻ: "Người ta buôn bán lâu rồi, cơ quan chức năng cũng đến xử phạt mấy lần rồi nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy, có giải quyết triệt để được đâu”.
Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra nhiều chế tài xử phạt đối với những hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Cụ thể, đối với hành vi buôn bán vỉa hè, khai thác lòng đường; vào những mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở đến người; giao thông hay các hoạt động bình thường khác thì bị coi là hành vi lấn chiếm lòng đường. Lấn chiếm lòng lề đường là vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần xử lý triệt để hơn nữa, áp dụng chế tài đủ mạnh để chấm dứt hiện tượng lộn xộn nêu trên, đảm bảo sức khỏe cho người dân tham gia giao thông và sinh sống trong khu vực.
GĐXH - Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng tìm đến những không gian yên tĩnh, thoải mái để học tập, làm việc và sáng tạo. Các quán cà phê 24h đã trở thành lựa chọn hàng đầu. Đây không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống mà còn như "ngôi nhà thứ hai" cho những người trẻ cần không gian học tập xuyên đêm. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này đang tồn tại những rủi ro và hạn chế nhất định về việc đảm bảo sức khỏe cũng như các vấn đề về an ninh trật tự.
GĐXH - Ngày Chủ nhật, lẽ ra là thời gian để thư giãn và tận hưởng cuộc sống, nhưng với nhiều người trẻ, nó lại trở thành một nỗi ám ảnh. Cảm giác uể oải, lo âu thường xuyên bủa vây, khiến họ không thể tận hưởng trọn vẹn những giờ phút cuối tuần. Điều này có thể giải thích bằng hiện tượng mà nhiều người gọi là "hội chứng sợ ngày Chủ nhật".
GĐXH - Trên mạng xã hội, trend phất cờ Tổ quốc đang trở thành xu hướng hot rần rần trong không khí ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trào lưu này đã làm lan tỏa tinh thần yêu nước và bày tỏ lòng biết ơn về sự hy sinh của thế hệ đi trước.