Đường dây mua bán thông tin dữ liệu cá nhân "khủng"

Theo Công an TP Huế, thời gian qua, tình trạng mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc dữ liệu cá nhân bị mua bán công khai hóa trái phép là điều kiện để phát sinh các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản, làm giả tài khoản ngân hàng, khủng bố tinh thần, đòi nợ.

canh-bao-thu-doan-mua-ban-thong-tin-du-lieu-ca-nhan-1739766329863208548674.jpg

Cơ quan chức năng bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây mua bán gần 56 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, mới đây Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPCNC) Công an TP Huế phối hợp cùng các đơn vị phát hiện đường dây nghi vấn mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, thực hiện hành vi mua bán gần 56 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định 3 đối tượng liên quan có dấu hiệu phạm tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng Phòng ANM&PCTPCNC (Công an TP Huế) cho biết, hành vi của các đối tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, tạo điều kiện hoặc tiếp tay để các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội khác, cần phải xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Thượng tá Mai Văn Toàn, để phòng ngừa hậu quả do hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân gây ra, người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng xác thực hai yếu tố, cẩn thận khi chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, xác thực thông tin khi có yêu cầu từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên các ngân hàng, nhà mạng... đề nghị cung cấp thông tin cá nhân.

Theo Thượng tá Mai Văn Toàn, các đơn vị, tổ chức có lưu trữ, quản lý dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Triển khai biện pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

"Khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu về các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời báo ngay lực lượng chức năng gần nhất để được giải quyết", Thượng tá Mai Văn Toàn khuyến cáo.

Xử lý ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật hợp danh An Doanh (Đoàn luật sư TP Huế) cho biết, hành vi mua bán dữ liệu thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quy định và trật tự quản lý về môi trường mạng, lợi ích, uy tín của tổ chức, quyền lợi của cá nhân và trật tự an toàn xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều yếu tố từ người dùng Internet; do cơ quan, tổ chức có dữ liệu cá nhân của khách hàng nhưng làm lộ lọt ra bên ngoài và hacker sử dụng kỹ thuật thu thập dữ liệu cá nhân, sử dụng phần mềm, mã độc thu thập dữ liệu cá nhân, tấn công, xâm nhập hệ thông máy tính chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

luat-su-vo-thi-tue-minh-17268451576832051940003.jpeg

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh.

"Việc mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến và gây hậu quả nặng nề. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hành vi cụ thể và mức độ nghiêm trọng trên thực tế", Luật sư Võ Thị Tuệ Minh nói.

Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, trong trường hợp hành vi mua bán dữ liệu thông tin cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" tại điều 288 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

  • Thủ đoạn tinh vi của nhóm tội phạm chiếm đoạt thông tin cá nhân bằng 'mã độc'ĐỌC NGAY

Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 7 năm tùy theo hành vi thực hiện và mức độ nghiêm trọng. 

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Ngoài ra, tùy tính chất, hành vi mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" theo Điều 291 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh cho biết thêm, trường hợp hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định theo điểm c, khoản 2, Điều 84, Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.

avatar1729129546901-1729129547229520461242.jpgMua bán dữ liệu cá nhân lấy tiền đánh bạc

N.N. đã mua bán hơn 800.000 dữ liệu cá nhân của hơn 60.000 người dân tại Tuyên Quang và các địa phương trong cả nước. Số tiền thu được, đối tượng đã sử dụng để tham gia đánh bạc trên mạng internet.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022