Bộ đôi đến Việt Nam 13 lần, mỗi lần kéo dài khoảng vài tuần. Lasse thường chụp cảnh phố phường, người lao động ở Hà Nội hay trong khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Ông thích quay lại làng Đá Bàn để gặp những người quen cũ. Lasse Edwartz chụp chính còn Ulf Johansson đồng hành, viết chú thích cho đồng nghiệp.

"Chúng tôi cứ về Thụy Điển tiết kiệm tiền vài năm rồi trở lại. Ở đất nước của các bạn, tôi luôn được chứng kiến nhiều điều mới mẻ. Tôi thích ngắm nhìn cuộc sống trên đường phố, trong ngõ ngách, những ngôi nhà nhỏ. Việt Nam chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim tôi", Lasse Edwartz cho biết.

Năm 1988, hai nhà báo, nhiếp ảnh gia lần đầu sang Việt Nam cùng đoàn chuyên gia Thụy Điển, theo các dự án hỗ trợ giữa hai nước. Họ đến Hà Nội và một số tỉnh ở phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.

anh-nhiep-anh-gia-thuy-dien-6488-1729759700.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mn-Vh3O9ga0JD13ohBtzyA

Cô bé cùng em trai ở miền Bắc năm 1988. Ảnh: Lasse Edwartz

Năm 1992, họ thăm làng Đá Bàn ở Khánh Hòa. Lasse nhớ cuộc sống người dân khi ấy còn nhiều khó khăn, giao thông, hệ thống điện đều chưa phát triển. Cả xóm xem chung một chiếc tivi đen trắng, phát ra ánh sáng lờ mờ. Khi trở lại năm ngoái, ông cảm nhận cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. Mỗi gia đình đều có tivi, điện thoại thông minh.

Ông yêu nơi này đến mức tha thiết được tổ chức đám cưới ở Hà Nội. Khi ông tiết kiệm đủ tiền đưa cả gia đình sang, con lớn của ông đã ba tuổi, con út một tuổi. Ông chọn ngày 10/10 vì lúc ấy, thành phố bắn pháo hoa kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô. Đám cưới ông diễn ra trong khu vườn ở Đại sứ quán Thụy Điển, có 16 khách. Sau buổi tiệc, họ đi du lịch vịnh Hạ Long.

Cuốn Meetings in Vietnam (Những cuộc gặp gỡ ở Việt Nam) cùng các bức ảnh trong sách được giới thiệu tại triển lãm từ ngày 19 đến 22/10 ở Hà Nội. Sau sự kiện, các tác phẩm được trưng bày tại studio thuộc IOGT Việt Nam - một tổ chức phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.

Sách gồm cả ảnh đen trắng và ảnh màu, dày 200 trang, không có giá bìa, in 400 bản ở Thụy Điển. Trong các buổi gặp gỡ ở Hà Nội, họ bán sách với giá tượng trưng là 600.000 đồng.

sach-anh-ve-Viet-Nam-2879-1729658050.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gU1Qo8ctzux7TvaSILmK2g

Cuốn "Meetings in Vietnam". Ảnh: Hà Thu

Ulf Johansson và Lasse Edwartz không tiết lộ số tiền xuất bản sách và chi phí các chuyến đi. Họ nói: "Chúng tôi không tính toán và cũng không thể tính được. Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Với chúng tôi, ký ức, kỷ niệm và những bức ảnh đều vô giá".

Theo nhiếp ảnh gia Na Sơn, sách là tư liệu quý, nhất là về thời bao cấp, những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990. Khi ấy, các nhiếp ảnh gia Việt ít chụp cảnh đời sống, một phần do chi phí phim đắt. Anh nhận xét ảnh của Lasse Edwartz và Ulf Johansson "dịu dàng, hiền lành" hơn so với tác phẩm của nhiều tác giả quốc tế khác. Trong chân dung của họ, ánh mắt của các nhân vật biểu lộ cảm xúc lạ lẫm, e dè.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói: "Các bức ảnh của hai ông là Tổ quốc, là nhân dân tôi, phục dựng một phần ký ức tuổi thơ trong tôi".

nha-bao-Thuy-Dien-7321-1729658050.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aluTYi4jByS_HaMD8qnLkA

Ulf Johansson (trái) và Lasse Edwartz. Ảnh: Hà Thu

Lasse Edwartz, 72 tuổi, là phóng viên ảnh tờ Bohuslaningen, sau đó làm việc tự do cho các tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở Thụy Điển, Ngoài Việt Nam, ông từng chụp con người, đường phố ở nhiều nước như Italy, Anh, Pháp, Singapore.

Ulf Johansson, 66 tuổi, từng là tổng biên tập tờ Bohuslaningen, biên tập viên tờ Smalandsposten, Nerikes Allehanda, làm việc tại Đài truyền hình công cộng quốc gia Thụy Điển - Sveriges Television.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022