Lần đầu viết kịch bản phim về Bác Hồ, nhà biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ chị cảm thấy rất háo hức. Chị đã lựa chọn cách kể những câu chuyện bình dị về Bác.

Kịch bản Vầng trăng thơ ấu từng đoạt giải Ba tại Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức. Phim dự kiến ra mắt đồng nghiệp và báo giới vào ngày 5/6, sau đó sẽ ấn định ngày công chiếu rộng rãi.

Xem nhiều phim lịch sử để viết kịch bản này

* Vì sao chị chọn giai đoạn ấu thơ của Bác Hồ và đặt tên phim đầy chất thơ: "Vầng trăng thơ ấu"?

- Để kể câu chuyện về tuổi thơ của Bác, dù chỉ vỏn vẹn 6 năm, tôi đã xem rất nhiều phim về lịch sử, về lãnh tụ, xem nhiều về giai đoạn gia đình Bác Hồ ở Huế, là giai đoạn nhiều biến động. Xem không chỉ để hiểu, mà còn để học cách những người đi trước làm phim lịch sử.

Kịch bản được phát triển từ hình tượng vầng trăng gắn với tuổi thơ. Vầng trăng là duy nhất, là tình mẹ, đây là câu chuyện về cậu bé yêu mẹ. Tôi nghĩ, một tình cảm bao la, một trái tim, một tấm lòng lớn luôn bắt đầu từ những yêu thương gần gũi nhất, với cậu bé Cung trước hết là tình mẹ.

Nhà biên kịch Đặng Thanh Bình

Tác phẩm này được Nhà nước đặt hàng Công ty cổ phần phim Giải Phóng sản xuất. Khi nhận lời đề nghị biên kịch từ hãng phim, tôi chưa hình dung ra tuổi thiếu niên của Bác Hồ như thế nào, nhưng như nhiều nghệ sĩ muốn được viết về những đề tài lớn, tôi háo hức nhận lời và trả lời chắc chắn: "Em làm được".

6 năm ấu thơ, 6 năm hình thành tính cách, tư duy để một cậu bé lém lỉnh, thông minh, sâu sắc, sẻ chia… trải qua những nỗi đau lớn, trở thành một thanh niên có chí lớn trong tương lai gần và sau đó là lãnh tụ của dân tộc. Tôi muốn kể về Bác bình dị, không thần thánh hóa.

Từ làng Sen vào kinh đô Huế là khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung có nhiều háo hức của một đứa trẻ, có sự tò mò khám phá, tìm hiểu và bắt đầu biết trắc ẩn. Và đó cũng là giai đoạn chưa có nhiều phim ảnh, tài liệu, nên có sự mới mẻ đối với người viết lẫn người xem.

Nếu nói về tư liệu tìm kiếm được, có lẽ chỉ vỏn vẹn chừng 1 trang giấy A4, dù tôi đã dành thời gian đi tìm hiểu khắp các bảo tàng, ngõ Mai Thúc Loan, làng Dương Nỗ (nơi gia đình Bác Hồ từng sinh sống ở Huế)… Và để có tư liệu dày dặn, tôi còn đọc rất nhiều tài liệu liên quan, đọc cả Luận ngữ để biết cách một ông bố Nho học ngày xưa dạy con như thế nào; tìm hiểu về làng nghề làm diều Huế để có nhiều hơn những chi tiết cho tác phẩm của mình.

dang-thanh-binh-3-1717376355223591669106.jpeg

* Viết về Bác Hồ đã là đề tài được nhiều nghệ sĩ, nhiều bộ phim thể hiện suốt nhiều năm qua. Đây có là áp lực với một biên kịch lần đầu viết kịch bản phim về đề tài lãnh tụ?

- Tôi nghĩ, việc trẻ con không được xem nhiều phim lịch sử nước mình là một thiệt thòi lớn, nên thú thực, khi nhận lời viết kịch bản này, tôi háo hức nhiều hơn áp lực. Quá trình viết kịch bản, tôi không đi theo hướng "thần thánh hóa" cuộc đời của Bác. Mà đi từ chính những tình huống đời thường, dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo… đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ sau này.

Có thể nói, giai đoạn sống ở Huế với rất nhiều biến cố gia đình, biến thiên của lịch sử, xã hội đã giúp cậu bé Nguyễn Sinh Cung trưởng thành cả về tư duy, nhận thức và là tiền đề cho những quyết định đúng đắn về sau.

mot-canh-1-17173763550051455136072.jpeg

Một cảnh trong phim “Vầng trăng thơ ấu”

Khi viết phim lịch sử, đòi hỏi phải tuân thủ về thời gian, bối cảnh lịch sử, đường dây câu chuyện. Nhất là với câu chuyện về một con người cụ thể - một lãnh tụ - chắc chắn không ai dám hư cấu những điều vô lý, mà phải phù hợp, thuyết phục. Tôi chọn kể chuyện theo cách của mình: Lãnh tụ không phải xuất chúng từ nhỏ, vẫn ngây thơ, buồn vui, khóc cười như nhiều bạn bè cùng trang lứa, dù đã có những tư chất đặc biệt.

* Điều gì khiến chị hài lòng nhất với kịch bản này?

- Điều tôi hài lòng khi viết Vầng trăng thơ ấu là kể những câu chuyện tuổi thơ được đan xen giữa thực tế và sáng tạo. Tôi đã xây dựng nhóm bạn Anh Thư, Hào, Kiệt của Cung và Đồng - cậu bạn thân bị kỳ thị vì nguồn gốc lai Tây. Từ những câu chuyện tình bạn, thấy được người bạn Nguyễn Sinh Cung lém lỉnh, tinh nghịch, đặc biệt có tấm lòng trắc ẩn, cùng đầu óc biết quan sát tinh tế. Thông qua câu chuyện của tụi nhỏ có thể thấy bức tranh xã hội thu nhỏ thời bấy giờ, có thể thấy những tính cách ưu tú của nhân vật chính được phát triển thuyết phục, tự nhiên...

mot-canh-3-17173763548141911389192.jpeg

Nhiều chi tiết trong phim đan xen giữa những sự kiện lịch sử và sáng tạo, có tính dẫn dắt, thuyết phục người xem về sự phát triển tính cách của nhân vật: khi cậu bé Cung nghe được câu chuyện ở miếu âm hồn về trận tử chiến ở Huế khiến nhiều người dân vô tội bị chết oan, trong đầu óc ngây thơ của đứa trẻ hình thành một loạt câu hỏi: Người Tây sao ác vậy? Sao dân mình quá khổ?… Hoặc những chi tiết mang tính then chốt như để cậu bé Cung đối diện với cái chết oan của Đồng - cậu bạn thân chịu nhiều thiệt thòi, đỉnh điểm là cái chết của mẹ, sau đó là đứa em sơ sinh cũng ra đi trong những ngày nghèo túng, thiếu ăn, khát sữa… Khi ấy, năm 1901, cậu bé 11 tuổi Nguyễn Sinh Cung đã phải đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần, vì cha và anh trai đang ở Thanh Hóa…

"Thông qua câu chuyện của tụi nhỏ có thể thấy bức tranh xã hội thu nhỏ thời bấy giờ, có thể thấy những tính cách ưu tú của nhân vật chính được phát triển thuyết phục, tự nhiên..." - nhà biên kịch Đặng Thanh Bình.

Gửi thông điệp trong những hình ảnh

* Qua bộ phim này, chị mong muốn khán giả nhìn nhận thế nào về tay nghề biên kịch của mình?

- Một bộ phim điện ảnh luôn là sản phẩm tập thể và biên kịch thường chịu thiệt thòi, đôi khi còn bị lãng quên. Và nhiều khi, do nhiều lý do, dấu ấn của biên kịch không được thể hiện rõ, thậm chí thể hiện sai.  

Trong kịch bản này, tôi có vài hình ảnh tâm đắc, ví dụ như cánh diều của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thả có hình cánh hoa sen, biểu tượng làng Sen quê hương khi bay cao trên bầu trời, lại có dáng hình con thuyền vượt trùng khơi ra biển lớn. Từ hình ảnh người thả diều có thể liên tưởng tới người chèo lái con thuyền dân tộc tương lai. Hoặc cảnh gia đình nhà Nho yêu nước Nguyễn Sinh Sắc ngày đầu vào Huế, bốn người vượt đường trường nhiều chông gai, về sau chỉ còn ba người - mỗi người một cá tính, một nỗi lòng trĩu nặng việc chung, riêng, việc nhà việc nước… Những hình ảnh ẩn dụ khiến tôi thực sự xúc động khi viết và muốn chuyển tải tới người xem.

mot-canh-2-1717376355414188699591.jpeg

* Trước khi là biên kịch nổi tiếng, chị đã có thời gian là thư ký trường quay, nhà báo… Điều này có ý nghĩa trong công việc biên kịch của chị không?

- Đa số bạn bè học chung lớp tôi hiện nay làm nhà báo, có người là nhà thơ. Duy nhất tôi theo con đường biên kịch. Thực ra, tôi chọn theo nghề báo sau khi ra trường, nhưng lúc ấy nghề không chọn tôi, rồi nhờ hay qua lại bên tạp chí Văn nghệ TP.HCM, tôi quen đạo diễn Lê Văn Duy, được giới thiệu làm thư ký trường quay cho ông.

Công việc này cho tôi nhiều cơ hội để học kinh nghiệm làm phim từ những đạo diễn, biên kịch có tiếng đi trước mình. Việc làm nhà báo lại cho tôi nhiều trải nghiệm, hiểu biết, tính ham tìm tòi, quyết liệt tìm đến những cội rễ căn nguyên…

Cả hai nghề đều được đi nhiều, trải nghiệm, học hỏi nhiều - những tố chất này rất có ích với một người viết kịch bản phim. Có thời điểm, tôi còn được mời đi đóng phim, nhưng tôi không chọn nghiệp diễn. Sau này, có đạo diễn còn trêu, may quá không thì đã có một diễn viên dở thay vì có một biên tập tốt cho điện ảnh Việt Nam.

dang-thanh-binh-2-1717376355697475401292.jpeg

Như một lương duyên từ trước đó, tôi từng muốn thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, vì đó là nơi tôi sinh ra. Nhưng vì thương con gái đi xa xôi (mẹ tôi nghĩ qua đèo Hải Vân nguy hiểm), bèn cản, nên việc sau này quay lại với con đường phim ảnh, tôi nghĩ là mình có duyên với nghề.

* Sau "Vầng trăng thơ ấu", chị sẽ trở lại với dòng phim lịch sử chứ?

- Sau Vầng trăng thơ ấu, việc đi tìm hiểu ở Huế cho tôi nhiều cảm hứng viết liền một mạch kịch bản phim lịch sử về vua Thành Thái. Kịch bản này hiện chưa có nhà đầu tư (việc bỏ hàng tháng trời viết kịch bản phim và xếp ngăn kéo là bình thường với nghề biên kịch) và kịch bản Chuồng cọp, phim về sinh viên Sài Gòn tranh đấu… Tôi còn nhiều đề tài phim lịch sử khác đang ấp ủ.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Vài nét về Đặng Thanh Bình

Sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Từng có thời gian là nhà báo, thư ký trường quay, trước khi trở thành biên kịch chuyên nghiệp, hoạt động tự do.

Chị có nhiều kịch bản phim điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu được yêu thích: Nữ bác sĩ (18 tập, phim đoạt Huy chương Vàng tại LHP truyền hình toàn quốc lần thứ 27), Dâu bể đường trần (phim truyền hình, 55 tập), Hoa táo nở (phim điện ảnh, chiếu ở châu Âu, về tình bạn, tình yêu của những du học sinh Việt), Tinh hoa Nam bộ (phim tài liệu, do chị tham gia viết chính, hiện đang chiếu trên THVL, dự kiến 100 tập)…

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022