Đã bao giờ bạn thắc mắc, giá rau củ tại các khu chợ được bán khác nhau như thế nào? Giá bán có chênh lệch nhiều không? Nên đi chợ vào thời điểm nào, vào từng thời điểm trong ngày, rau có khác nhau không?
Nếu bạn quan tâm tới vấn đề này và muốn tự trang bị cho mình kiến thức đi chợ sao cho hợp lý, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về giá cả các loại rau được các gia đình thường xuyên sử dụng để có được cho mình câu trả lời thỏa đáng nhất.
Chúng tôi đã có một buổi dạo quanh 3 khu chợ: chợ cóc, chợ dân sinh, chợ đầu mối vào những khoảng thời gian cùng thời điểm trong ngày để tìm hiểu về giá các loại rau, củ được nhiều người chọn mua nhất và phát hiện ra rằng: chợ quy mô càng lớn, thì giá bán các loại thực phẩm này càng rẻ và có rất nhiều mặt hàng, chợ đầu mối bán rẻ bằng một nửa so với giá được bán tại các chợ cóc.
1. Chợ đầu mối khu vực Văn Quán hay còn có tên gọi khác là chợ đêm nông sản. Chợ có quy mô khá rộng, nằm tại khu dân cư thưa thớt và có thời gian hoạt động chính là từ 1h-5h30 sáng hàng ngày. Nơi đây tập trung tất cả các mặt hàng rau, củ, quả và là đầu mối cung cấp cho các chợ nhỏ và các nhà hàng ở khu vực lân cận.
2. Chợ Nhân Chính (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) được mở bán cả ngày từ 5h30 - 19h hàng ngày. Chợ có diện tích khá rộng, các mặt hàng bán cũng đa dạng từ đồ gia dụng, giày dép, quần áo, các loại thực phẩm: thịt, cá, rau, hoa quả...
3. Chợ cóc này nằm trên đường Văn Quán (Hà Đông), chợ được mở tận dụng tầng 1 của các khu nhà cao tầng, các mặt hàng chủ yếu phục vụ bữa ăn hàn ngày: thịt, cá, rau, hoa quả. Tuy vậy, các quầy hàng bán ngay ở mặt đường nên việc bán và mua hàng khá tiện, khách không cần gửi xe hay phải đi lòng vòng vào chợ mà vẫn mua được đủ đồ cho bữa ăn. Chợ cóc có thời gian hoạt động khá giống chợ dân sinh mở cửa từ 5h30- 11h30 và chiều từ 16h-19h30. Sau các giờ kể trên, chợ trở về đúng tính chất là tầng 1 của một ngôi nhà bình thường.
Trong đó, rau bán tại chợ cóc là các chợ "mọc" lên ở ngay gần khu dân cư, trong các ngõ ngách nhỏ tuy tiện nhất nhưng mức giá lại cao nhất và khá đắt đỏ. Những người bán hàng ở đây đa số là tận dụng chính nhà ở của mình để bán hàng, hoặc là những người trải bạt ngồi bán hàng tạm bợ chứ không có sự đầu tư như các sạp hàng thông thường.
Tại chợ cóc và chợ dân sinh, vào buổi sáng rau củ nhìn tươi, mẫu mã đẹp và khá bắt mắt do đã qua một lần chọn lựa của người bán hàng. Tuy vậy, nếu bạn đi vào buổi chiều thì đa số rau đều được tưới nước hoặc trong tình trạng "nửa héo nửa tươi". Vì vậy, lời khuyên là nên đi chợ sớm, vừa có nhiều sự lựa chọn đồng thời, mang rau về bảo quản tại nhà sẽ tươi ngon hơn.
Tại chợ cóc và chợ dân sinh, lượng khách mua hàng khá thường xuyên, trước khi mua nhiều người cũng có thói quen mặc cả và thỉnh thoảng cũng được chủ hàng giảm giá chút nhẹ.
Tại các chợ dân sinh được bán với mức giá khá giống nhau, chỉ có một số ít các lại bán theo đơn vị cân thì mức giá ở chợ dân sinh nhỉnh hơn một chút, chênh lệch từ 2-3 ngàn đồng/kg.
Tại chợ cóc, rau được bày ngay ngắn và kê lên kệ khá đẹp mắt và tạo cảm giác sạch sẽ. Do diện tích khá rộng nên rau được bày biện cẩn thận, chỉnh chu.
Còn tại chợ dân sinh, rau xanh nói chung được bày chung vào thành 1 đống, để tiết kiệm diện tích cho gian hàng. Các loại rau được xếp thành từng cọc và gom gọn lại một khu để người bán có thể ngồi 1 chỗ và tiện lấy tất cả các loại rau cho khách.
Ngược lại, tại chợ đầu mối lại chỉ mở bán vào ban đêm và buổi sáng sớm, tại đây các loại rau được bày bán la liệt nhưng mỗi quầy chỉ bán 1-2 loại chứ không có sự đa dạng như 2 loại chợ còn lại, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi và qua lời người bán hàng thì đa số các loại rau bán lẻ ở đây là những mớ rau còn lại sau khi các chủ buôn của các chợ dân sinh, chợ cóc đã chọn lựa nên thường chúng sẽ có mẫu mã xấu hơn và trông "bầm dập" hơn do đã bị nhấc lên, đặt xuống nhiều lần.
Kể cả các loại củ, quả tại chợ đầu mối cũng có mẫu mã xấu hơn so với chợ cóc và chợ dân sinh.
Theo lời chị Hoa (một chủ quầy hàng bí xanh tại chợ đầu mối Văn Quán) thì chợ đêm này hoạt động từ 1h-5h30 sáng hàng ngày. Sau đó, lượng hàng còn thừa lại sẽ chuyển qua bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá của các mặt hàng vẫn giữ nguyên, dù vào thời điểm ban ngày bạn mua 1 quả, 1 kg hay 10kg, 30kg thì mức giá vẫn như vậy, chỉ là mua sớm thì lựa được quả ngon, đi muộn thì chọn quả xấu hơn một chút.
Giá bán buôn và bán lẻ ở chợ đầu mối là như nhau, tuy nhiên, càng mua muộn thì cơ hội chọn được hàng ngon càng ít
Đồng thời chị cũng cho biết thêm, khách mua hàng tại chợ này đa số là những người bán hàng ở các chợ nhỏ ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân và cả khu Nam Từ Liêm vì chợ đầu mối có quy mô và sức phục vụ khá lớn nên vào tầm 2-4h, người ta đi chợ đông như hội, còn ban ngày thì lượng khách khá thưa thớt vì lúc này các mặt hàng cũng không còn nhiều và đa số là mẫu mã không còn đẹp nữa.
Còn đối với các nhà hàng, thường chủ buôn sẽ chọn và đóng thùng riêng, sau đó sáng hôm sau giao cho khách hoặc họ tự đến lấy. Chị cho biết, dù vẫn phục vụ bán lẻ nhưng đó không phải đối tượng khách hàng chính cho nên chị cứ nói giá, ai mua thì mua, không mua thì thôi chứ không bán mặc cả.
Tuy vậy, giá bán của chợ đầu mối so với 2 loại chợ còn lại có mức chênh lệch khá lớn, có loại giá còn rẻ hơn một nửa.
Giá rau ngót tại chợ đầu mối là 3 nghìn đồng/mớ
Tại chợ dân sinh, rau ngót được bán giá 5 nghìn đồng
Tại chợ cóc giá rau ngót là 6 nghìn đồng/mớ
Giá rau muống tại chợ đầu mối là 2 nghìn đồng/mớ
Tại chợ dân sinh, giá rau muống là 5 nghìn đồng/mớ
Tại chợ cóc, rau muống cũng được bán với mức giá 5 nghìn đồng.
Vì các loại rau bán theo đơn vị mớ khá rẻ dù tại chợ đầu mối giá bán rẻ bằng một nửa so với chợ cóc nhưng mức độ chênh lệch tạo cảm giác không quá lớn (chỉ khoảng 2-3 nghìn đồng) trên đơn vị mớ. Đối với các loại rau khác như mồng tơi, rau dền hay rau cải, mức chênh lệch cũng tương tự đối với 2 loại rau kể trên.
Đối với các mặt hàng bán theo đơn vị kg, mức độ chênh lệch được thể hiện rõ ràng hơn theo xu hướng: chợ càng to, giá càng rẻ.
Cà chua tại chợ đầu mối được bán với giá 17 nghìn đồng/kg
Giá cà chua tại chợ dân sinh là 27 nghìn đồng/kg
Còn tại chợ cóc, cà chua được bán với mức giá 30 nghìn đồng/kg
Tại chợ đầu mối, giá mướp chỉ 10 nghìn đồng/kg
Trong khi đó, tại chợ dân sinh, mướp được bán giá 18 nghìn đồng/kg
Và ở chợ cóc là 20 nghìn đồng/kg
Trong khi đó, giá bí xanh ở chợ đầu mối là 9 nghìn đồng/kg thì giá tại chợ dân sinh và chợ cóc được bán với giá tương đương 17 và 20 nghìn đồng/kg
Mức giá được áp dụng tương tự với bầu, giá tại chợ đầu mối là 10 nghìn đồng/kg thì tại chợ dân sinh là 20 nghìn/kg và tại chợ cóc là 22 nghìn đồng/kg
Bí đỏ tại chợ cóc cũng được bán với giá 10 nghìn đồng/kg bất chấp số lượng, còn tại chợ dân sinh và chợ cóc, mặt hàng này được bán đồng giá 20 nghìn đồng/kg.
Đối với các loại quả theo mùa như lặc lày và đỗ, mức giá tại các chợ có sự chênh lệch lớn hơn, cụ thể:
Giá lặc lày tại chợ đầu mối là 15 nghìn đồng/kg
Trong khi đó, giá tại chợ dân sinh là 25 nghìn đồng/kg
Và giá tại chợ cóc là 30 nghìn đồng/kg
Đỗ cove được bán tại chợ đầu mối với giá 15 nghìn đồng/kg
Tại chợ dân sinh là 25 nghìn đồng/kg
Còn tại chợ cóc, giá bán loại đỗ này là 28 nghìn đồng/kg
Như vậy, có thể thấy, chợ càng lớn, thì mức giá lại càng rẻ, thậm chí nếu so sánh giá tại chợ đầu mối và chợ cóc mức chênh lệch đối với một số loại mặt hàng còn rẻ hơn một nửa.
Kinh nghiệm đi chợ mua rau để chọn được rau tươi và rẻ
- Nếu nhà bạn không quá xa các chợ lớn, bạn nên chọn mua rau tại các chợ lớn để giá bán được ổn định và rẻ nhất
- Nên đi chợ sáng vì cơ hội chọn mua được đồ tươi ngon sẽ cao hơn chợ chiều, bạn bảo quản rau tại nhà sẽ hiệu quả và tốt hơn rất nhiều so với rau bị ủ đống ngoài chợ và tưới nước.
- Đối với các loại quả hoặc củ có thể bảo quản lâu, bạn có thể tận dụng thời gian để đi chợ đầu mối vào lúc sáng sớm, lúc này bạn vừa mua được đồ rẻ mà lại rất tươi.
- Nếu đi chợ đầu mối, bạn không cần mặc cả vì giá ở đó luôn là giá rẻ nhất, nhưng muốn mua được rau tươi và mẫu mã đẹp thì bạn nên đi thật sớm.
- Chợ đầu mối thời gian mở khá đặc thù, chủ yếu tập trung vào ban đêm chính vì vậy đi chợ đầu mối mua được rẻ nhưng lại rất vất vả.