Trong quá trình tác nghiệp của mình, những kiến trúc sư luôn để tâm hồn mình được tự do bay bổng với những ước vọng về một viễn cảnh huy hoàng tại một nơi nào đó trong tương lai. Cho dù những sáng tạo đó có thể chưa thành hiện thực, nhưng đôi khi họ cũng chỉ mong muốn được chơi với nghề. Còn những ý tưởng có được ai đồng cảm và để ý đến hay không thì lại do số phận.
Ý tưởng táo bạo
Đây là ý tưởng của KTS Trần Trọng Chi và người bạn lâu năm trong nghề của ông là KTS Nguyễn Khôi Nguyên - hai nhân vật lão làng trong giới kiến trúc Việt Nam.
Nhớ lại những ngày đầu tìm ý, hai ông cho rằng dấu ấn tiêu biểu ở đây nên là một công trình thay vì một tượng đài nào đấy. Bởi vậy các tác giả đã quyết định dựng một tòa tháp cao 50 tầng hình chữ V đặt cách đường không xa để làm dominant (điểm nhấn ngự trị) cho không gian toàn khu vực.
Tòa tháp sẽ được đặt trên một đế tròn ba tầng khá rộng dành cho hội chợ và các cuộc trưng bày hay hội họp đông người. Các tầng trên là trung tâm tài chính ngân hàng, trụ sở giao dịch, nơi giao tiếp và lưu trú của các ông lớn từ các công ty, tập đoàn hay các học giả trong ngoài nước. Một con đường vòm xuyên tầng dưới cùng để xe VIP có thể vào trực tiếp tháp hoặc đi thẳng ra đại lộ phía sau.
Nếu nhìn từ ngoài vào thì người quan sát sẽ thấy phía bên trái tháp là một nhà hát hiện đại với sức chứa vài ngàn chỗ. Nơi đây có thể diễn ra các cuộc liên hoan văn nghệ, các hội diễn trong nước và quốc tế. Phía bên phải tháp là khu Triển lãm và Bảo tàng phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân Thủ đô cũng như du khách thập phương, khách quốc tế.
Bên cạnh đó, hai ông còn có ý tưởng xây dựng một đại lộ hiện đại gồm loạt nhà 25 - 30 tầng đặt trên đế hình vòng cung. Bên trong đế này có nhiều nhà hàng, siêu thị, nhà sách… Ở giữa vòng cung, đại lộ được kéo thẳng về phía sau giống như một cái cán. Hai bên cán này có nhiều trụ sở các viện nghiên cứu, các hiệp hội nghề nghiệp, chỗ ở và làm việc cho các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ được mời đến Thủ đô. Các tầng dưới của đại lộ sẽ tưng bừng rực sáng hàng đêm do dòng người từ các nơi liên tục đổ về. Đại lộ được kết thúc bằng một hồ nước rộng có đặt nhiều tượng danh nhân. Phía sau vòng cung thứ nhất là ba đường phố nhỏ hơn với ba dãy, mỗi dãy gồm khoảng hơn hai chục ngôi nhà.
Chia sẻ nguyên nhân khơi nguồn cho ý tưởng này, KTS Trần Trọng Chi nói: “Chúng tôi nhớ lại những dịp ngồi đàm đạo với anh em từ các địa phương về Hà Nội. Ai cũng ước ao tỉnh mình có được một nơi đặt đại diện thường trực tại đây. Khu vực này chính là nơi thích hợp nhất để làm việc đó”.
Những ngôi nhà này giống như một thứ “đại sứ quán” thu nhỏ cho tất cả các tỉnh thành, địa phương của cả nước muốn có trụ sở ở Thủ đô. Chúng không chỉ là nơi trú ngụ của người các tỉnh mỗi khi có việc đến Hà Nội, mà chính là nơi giao lưu, giao dịch, ký kết các hợp đồng hợp tác về kinh tế và văn hóa. Nhờ vậy mà cà phê, trà, mận, cam, bưởi, mít, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn lồng, mà tơ lụa, thổ cẩm, khăn rằn, khăn piêu được dễ dàng trao đổi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Các không gian hội chợ trong tòa tháp trung tâm luôn sẵn sàng cho việc đó. Hàng tháng, hàng tuần đều có những ngày hội quảng bá sản phẩm của từng vùng, từng tỉnh được tổ chức một cách tuần tự và nền nếp, lâu dần thành truyền thống. Điều này chắc chắn sẽ góp phần đáng kể trong mở mang kinh tế nội lực, thiết lập được thói quen “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Lợi ích văn hóa cũng được hai nhà kiến trúc tính toán kỹ lưỡng trong dự án này. Hàng năm nơi đây sẽ có thể tổ chức những lễ hội, liên hoan ca múa nhạc hoặc triển lãm giới thiệu thành quả nghệ thuật của mỗi địa phương: chèo, quan họ, ca trù Bắc, vọng cổ, tuồng, cồng chiêng Nam. Các bộ sưu tập, các sáng tác tranh tượng, ảnh nghệ thuật mới nhất của các nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu sẽ được đưa về trưng bày, giới thiệu. Khu vực các nhà hát, nhà triển lãm, bảo tàng luôn sẵn sàng tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động này.
Bên cạnh và cách ly với khu náo nhiệt sầm uất này là một vườn Bách thảo. Hai ông cũng nêu ý tưởng xây dựng một đoạn sông đào nối hai đầu với sông Tô, tạo nên một ốc đảo. Nơi đây có tổ hợp các tòa nhà cao cấp dành để bán cho người ngoại tỉnh hay người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà tại Hà Nội.
Còn dọc theo sông Tô về phía Tây Bắc sẽ thiết kế dãy nhà mái ngói lô xô tái hiện hình ảnh khu 36 phố phường nhưng đã được thời đại hóa.
Cứ chơi với nghề cái đã!
Chia sẻ về lần làm việc chung đầy lý thú này, KTS Trần Trọng Chi nói: “Lần cùng KTS Nguyễn Khôi Nguyên tham gia cuộc thi thiết kế ý tưởng “Cửa ngõ phía Nam Thủ đô” cũng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ, bởi khi đó cả hai chúng tôi đều đã vượt qua cái ngưỡng tuổi cổ lai hy. Chúng tôi muốn tạo ra một dấu ấn với người trong nước từ các tỉnh phía Nam tới Thủ đô bằng đường bộ. Ý tưởng này quả thật là rất thú vị”. Ông còn nói: “Trong đời làm nghề của mình, tôi đã từng cộng tác với nhiều bạn bè, nhưng có lẽ đây là một trong mấy lần lý thú nhất, khi được thả rông cho hồn mình tung tăng với những ước vọng về một viễn cảnh huy hoàng tại một góc nhỏ của Thủ đô trong tương lai. Còn nó có được ai đồng cảm và để ý đến giấc mơ của mình hay không thì còn do may rủi”.
Đến nay ý tưởng xây dựng một cửa ngõ phía Nam Thủ đô của hai ông vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, các ông vẫn ao ước rằng đến một ngày kia sẽ có một nhà đầu tư hay nhà quản lý nào đó hưởng ứng ý tưởng này để mở ra cho Hà Nội một sân chơi mới trong giao lưu cùng cả nước. Bởi nếu nhìn sang những thủ đô khác của các nước trong khu vực như Kuala Lumpur hay Singapore thì Hà Nội cho tới nay vẫn chưa có một khu công cộng nào tân kỳ một cách triệt để, đồng bộ, đáng gọi là hiện đại Việt Nam.
(Theo Báo Xây dựng)