Một người đàn ông không cần phải nói nhiều, đôi khi chỉ cần bước vào phòng với chiếc đồng hồ Patek Philippe, áo blazer Loro Piana, giày John Lobb – đã đủ để người đối diện biết anh ta là ai.Liệu đó chỉ là ảo giác của chủ nghĩa tiêu dùng, hay thực sự có một quy tắc ngầm trong thế giới thượng lưu: đồ hiệu là cách nhận diện đẳng cấp và định vị bản thân?.
Tầng lớp elite là ai và họ mặc gì?
Khác với định kiến thông thường, “elite” – tầng lớp tinh hoa – không đơn giản là người có tiền. Họ là những cá nhân nắm giữ quyền lực hoặc ảnh hưởng trong xã hội: CEO, nhà đầu tư lớn, chính khách, doanh nhân tên tuổi, học giả hay nghệ sĩ có vị trí vững chắc.
Với họ, thời trang không phải là cuộc chơi màu sắc hay logo, mà là “ngôn ngữ hình ảnh của bản lĩnh”.

Hai phong cách điển hình trong giới elite:
-
Quiet luxury (xa xỉ thầm lặng): Không logo, không phô trương, nhưng chất liệu phải thuộc hàng đỉnh cao: cashmere Mông Cổ, len vicuña, lụa Ý nguyên bản… Những thương hiệu như Loro Piana, Zegna, Brunello Cucinelli, The Row… là lựa chọn phổ biến.
Triết lý: “If you know, you know” – người trong giới tự nhận ra nhau qua từng đường kim mũi chỉ.
-
Sartorial style (phong cách may đo cao cấp): Từ bộ suit đặt riêng ở Savile Row (Anh) đến đôi giày da thuộc thủ công ở Ý, mọi chi tiết đều mang dấu ấn cá nhân.
Đây là lựa chọn của những người đề cao bản sắc, sự chuẩn mực và tinh thần kỷ luật.
Thời trang – “ngôn ngữ không lời” của người đàn ông thành đạt
Nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ) cho thấy: con người chỉ mất 1/10 giây để hình thành ấn tượng đầu tiên về người đối diện – phần lớn đến từ diện mạo và trang phục. Trong thế giới của các CEO, doanh nhân, nhà đầu tư…, ấn tượng ấy có thể ảnh hưởng đến cả cơ hội hợp tác hay vị thế bàn đàm phán.
Ở tầng lớp elite, thời trang không còn là chuyện mặc đẹp, mà là "tín hiệu xã hội". Một chiếc đồng hồ Audemars Piguet, một đôi giày Berluti, hay chiếc áo sơ mi Kiton – đều có thể là dấu hiệu nhận biết "người cùng đẳng cấp". Nó mở đầu câu chuyện, khơi gợi niềm tin, tạo kết nối trong những “phòng kín” nơi niềm tin và nhận diện đóng vai trò then chốt.

Đàn ông dùng đồ hiệu không để khoe mà để bước vào đúng sân chơi
Đồ hiệu không khiến bạn thành công, nhưng nó là “giấy thông hành” đưa bạn bước vào đúng cộng đồng – nơi ngôn ngữ, hành vi và gu thẩm mỹ đều theo chuẩn mực khác biệt.
Một giám đốc điều hành có thể không cần nói mình có tầm ảnh hưởng – điều đó đã được thể hiện qua cách anh chọn đôi giày hand-made, cắt may suit và cả việc chọn cà phê kiểu nào. Những thứ tưởng như nhỏ ấy, trong giới elite, lại là thông điệp không lời của đẳng cấp.
Đó là lý do vì sao trong nhiều ngành như tài chính, tư vấn chiến lược, đầu tư… cách ăn mặc được xem như một “chứng chỉ mềm” – giúp bạn được nhìn nhận là người “cùng tầng lớp”, “biết luật chơi”.
Quiet luxury lên ngôi – Khi giới giàu không còn cần khoe mẽ
Gần đây, khái niệm “quiet luxury” – xa xỉ thầm lặng trở thành xu hướng thống trị giới tinh hoa toàn cầu. Không còn những chiếc áo Gucci, túi LV với logo khắp nơi, giới siêu giàu đang chuyển sang mặc đồ cực đắt nhưng không ai nhận ra – trừ người cùng đẳng cấp.
Vì sao?
-
Người thật sự giàu không cần khẳng định bản thân qua logo.
-
Họ coi trọng độ tinh xảo, cá nhân hóa, và “năng lực nhận diện ngầm” hơn là gây chú ý.
-
Quiet luxury còn thể hiện sự hiểu biết, văn hóa tiêu dùng, và gout sống cao cấp.
Ở Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, chuyên gia cấp cao theo đuổi phong cách này – họ chọn những thương hiệu niche như Cucinelli, The Row, hoặc thậm chí đặt may riêng theo số đo tại Ý, Nhật hoặc Anh.

Đồ hiệu không làm nên con người, nhưng là dấu mốc của hành trình nỗ lực
Đúng, đồ hiệu không làm nên bản lĩnh nhưng nó là phần thưởng cho những năm tháng không ngừng phấn đấu. Một chiếc suit bespoke đầu tiên, một đôi giày hand-made đầu tiên, hay chiếc đồng hồ mua từ khoản thưởng cuối năm – tất cả đều là biểu tượng cho sự trưởng thành.
Điều quan trọng, là đừng để bản thân biến thành “kẻ chạy theo logo”. Người đàn ông thực thụ biết chọn đồ hiệu cho đúng ngữ cảnh, đúng bản thân, và không để thời trang nói thay tất cả.
Trong thế giới hiện đại – nơi “ấn tượng đầu tiên” có thể định hình cả mối quan hệ, thời trang không chỉ là thứ để mặc. Với đàn ông đang bước vào ngưỡng 30+, trưởng thành trong sự nghiệp và mở rộng tầm ảnh hưởng, hiểu – và sử dụng đúng – ngôn ngữ của đồ hiệu chính là một kỹ năng không thể thiếu.
Không cần khoe mẽ. Không cần chạy theo trend. Chỉ cần hiểu mình đang ở đâu – và muốn đi tới đâu. Khi ấy, món đồ bạn mặc sẽ không chỉ là quần áo, mà là tuyên ngôn không lời của người đàn ông tinh hoa.
Nguyễn Phượng