Trả lời:

Về nguyên tắc, uống nước có thể hỗ trợ phần nào quá trình bài tiết cồn qua nước tiểu. Tuy nhiên, điều này chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc loại bỏ ethanol (cồn) ra khỏi cơ thể.

Khi ethanol được hấp thụ, chỉ có khoảng 5-10% được bài tiết qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Phần lớn, khoảng 90-95%, sẽ được chuyển đến gan để chuyển hóa. Gan là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý cồn và quá trình này cần thời gian. Do đó, việc uống nhiều nước không thể làm giảm nhanh nồng độ cồn trong máu.

Ngược lại, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể gây rối loạn điện giải, bởi rượu bia vốn làm cơ thể mất nước và điện giải thông qua quá trình lợi tiểu. Nếu uống thêm nhiều nước, lượng điện giải bị hòa loãng. Điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi, yếu cơ, buồn nôn, co giật hoặc các triệu chứng nguy hiểm hơn. Ngoài ra, tim và các cơ quan khác sẽ bị quá tải để duy trì sự ổn định, làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Thay vì uống nước lọc liên tục, nên sử dụng một lượng vừa đủ các loại thức uống giúp bù nước và điện giải hiệu quả như nước oresol, nước chanh pha muối, nước khoáng có muối, nước ép trái cây. Một trong những vấn đề hay gặp khi uống rượu là nguy cơ hạ đường huyết. Vì vậy, ăn thêm các món giàu tinh bột như cơm, cháo, bánh mì là rất cần thiết để cung cấp năng lượng ổn định; bổ sung thêm protein và chất xơ từ thịt, cá, rau củ cũng giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại trạng thái cân bằng.

binge-drinking-1731896123-9774-1731896150.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u6HoElSb_IZc5KRTEX28aw

Ảnh minh họa: Healthhub

Bác sĩ Đoàn Dư MạnhHội Bệnh Mạch máu Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022