Đây là loại vaccine tiêm hai liều, sử dụng công nghệ mRNA giống với vaccine phòng Covid-19 của Pfizer và Moderna. Vaccine đưa các hạt lipid nhỏ, chứa RNA thông tin vào cơ thể, hướng dẫn tế bào tạo bản sao của protein hemagglutinin xuất hiện trên bề mặt virus cúm.

Khác với các vaccine cúm tiêu chuẩn, chỉ giúp cơ thể tạo ra một hoặc hai phiên bản của protein hemagglutinin. Loại vaccine thử nghiệm có thể tạo 20 dòng hemagglutinin khác nhau, giúp hệ miễn dịch nhận ra bất kỳ loại virus cúm nào người dùng tiếp xúc.

Công trình do nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Pennsylvania công bố trên tạp chí Science, ngày 25/11.

Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, hệ miễn dịch của động vật được tiêm vacicne đã nhận ra các hemagglutinin, từ đó ngăn ngừa được 18 chủng cúm A và cúm B khác nhau. Mức độ kháng thể do vaccine tạo ra duy trì ổn định suốt 4 tháng.

Các chuyên gia cho biết vaccine làm giảm đáng kể dấu hiệu nhiễm cúm, bảo vệ các cá thể chồn trong thử nghiệm khỏi nguy cơ tử vong ngay cả khi tiếp xúc với chủng cúm không có trong vaccine.

Moderna và Pfizer cũng đang thử nghiệm vaccine cúm mRNA trên người trong giai đoạn cuối. Vaccine chỉ có thể chống lại 4 chủng cúm lưu hành gần đây, song về mặt lý thuyết, các nhà khoa học có thể điều chỉnh nó sau mỗi năm.

download-19-jpeg-1669361103-3395-1669361259.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zQsz4SNDwjTZ0SUamaCnyQ

Y tá chuẩn bị một liều vaccine phòng cúm tại Boston, Massachusetts, ngày 12/1. Ảnh: Reuters

Ở thử nghiệm lâm sàng (trên người) diễn ra trong thời gian tới, mục tiêu lớn nhất của các chuyên gia không phải chống nhiễm virus. Họ kỳ vọng có thể tạo ra một loại vaccine ngăn ngừa nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Vaccine phổ quát có thể không chấm dứt được mùa cúm, song nó sẽ giảm gánh nặng phải điều chỉnh các mũi tiêm hàng năm.

"Ý tưởng là cho ra đời một loại vaccine cung cấp trí nhớ miễn dịch cơ bản đối với nhiều chủng cúm khác nhau, từ đó giảm số ca nhiễm và tử vong trong mùa cúm tiếp theo", tiến sĩ Scott Hensley, Trường Perelman, Đại học Y Pennsylvania, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích.

Theo tiến sĩ Alyson Kelvin và Darryl Falzarano, Đại học Saskatchewan, câu hỏi đặt ra là liệu vaccine có hiệu quả trước các biến chủng cúm chưa từng lưu hành trước đây hay không.

"Dù nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy vaccine có thể ngăn ngừa các chủng bệnh khác nhau, chúng tôi chưa thể chắc chắn cho đến khi nó được thử nghiệm trên người", Adolfo García-Sastrem, Giám đốc Viện Y tế và Bệnh truyền nhiễm Toàn cầu, Bệnh viện Mount Sinai, cho biết.

Thục Linh (Theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022