Tờ Toutiao (Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ họ Lý, vốn có cách ăn cơm vô cùng "đặc biệt".
Cô Lý là một người làm nội trợ, thời gian rảnh rỗi cô thường xuyên tìm kiếm các tin tức về dinh dưỡng để đảm bảo cả gia đình có sức khỏe tốt nhất.
Gần đây, cô Lý đọc được thông tin: "Không nên ăn khi cơm còn nóng, muốn hạ đường huyết thì hãy ăn cơm nguội, bởi lúc này cơm đã sinh ra tinh bột kháng, có thể giúp hạ đường huyết".
Kể từ đó, mỗi khi cơm chín cô Lý đều để nguội rồi mới cho gia đình ăn. Dù chồng con ra sức thuyết phục nhưng cô Lý khẳng định chắc chắn đây là cách làm hiệu quả. Điều này khiến chồng con cô Lý vô cùng phiền não vì cơm nấu chín không được ăn, mà ngày nào cũng phải ăn cơm nguội.
Ăn cơm nguội giúp giảm đường huyết không?
Giáo sư Vương Huy (Trưởng khoa Y tế công cộng của Đại học Giao thông Thượng Hải) cho biết, ruột non vốn không thể hấp thụ tinh bột kháng. Do đó sau khi tiêu thụ chất này, đường huyết sẽ ít bị dao động, và như vậy sẽ có ích trong việc cải thiện lượng đường trong máu.
Mặc dù tinh bột kháng không thể được hấp thụ bởi ruột non nhưng nó có thể được lên men trong ruột già để tạo ra axit béo chuỗi ngắn. Chất này có ích trong việc cải thiện sức khỏe và điều hòa đường ruột. Nhưng đây chỉ là những điều lý thuyết, còn tác dụng của tinh bột kháng đối với cơ thể như thế nào còn cần thêm nhiều nghiên cứu chứng minh.
Giáo sư Vương Huy cũng cho biết, hàm lượng tinh bột kháng được tạo ra khi để nguội cơm là rất hạn chế. Với người cao tuổi, người có bụng dạ kém mà ăn cơm nguội có thể gây khó chịu đường tiêu hóa. Ngoài ra, nếu cơm nguội để quá lâu rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Bình luận về vấn đề cơm nguội sinh ra tinh bột kháng, tốt cho việc giảm cân, PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: Việc nấu cơm rồi để nguội có chuyển hóa thành tinh bột kháng hay không thì hiện nay chưa có nghiên cứu nào có đủ căn cứ và giá trị khoa học để tin tưởng.
Tinh bột kháng thường có sẵn trong thực phẩm như chuối, đậu, gạo lứt... còn việc từ tinh bột chuyển sang tinh bột kháng như thế nào thì không thể khẳng định được.
Những tác hại khi lạm dụng cơm nguội
Theo tờ Medicalnewstoday, gạo có thể chứa vi khuẩn có tên là Bacillus cereus. Trong quá trình để nguội thì số bào tử này sẽ hoạt động trở lại, sinh ra độc tố nguy hiểm, các triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng…
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), để đảm bảo an toàn khi nấu cơm cần đảm bảo rửa tay sạch trước khi vo gạo và nấu chúng. Không nên để cơm nguội ở bên ngoài một giờ. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24 giờ. Khi cơm có dấu hiệu bất thường thì tuyệt đối không nên ăn.
Các gia đình nên cân đối để nấu lượng cơm vừa đủ với nhu cầu của gia đình, như vậy sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của cơm.
Lưu ý khi ăn cơm cho người tiểu đường
ThS. BS. Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198) chia sẻ, không phải cứ mắc bệnh tiểu đường là phải nhịn ăn cơm. Chính sai lầm này đôi khi khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng và hạ đường huyết quá mức, thậm chí dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.
Người tiểu đường vẫn nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Người bệnh vẫn có thể ăn cơm hàng ngày, nhưng cần ăn lượng vừa đủ và chỉ nên ăn phù hợp với thể trạng cơ thể, dựa trên lời khuyên của bác sĩ.
Thông thường, người bệnh tiểu đường sẽ cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại nên tăng 10% khẩu phần đạm.
Ngoài ra, người bệnh cần nhớ thứ tự ăn đúng đó là: Ăn rau trước rồi ăn thức ăn và cơm sau. Lượng chất xơ trong rau sẽ điều chỉnh tốc độ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể.
Người bệnh không nên ăn hoặc hạn chế các loại đồ ăn như: bánh mì, bánh ngọt, các loại mỳ, nui… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột. Nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần giảm hoặc cắt cơm.
Bệnh nhân cũng có thể chọn loại gạo có chỉ số gạo càng thấp, như gạo lứt. Loại gạo này chứa nhiều chất xơ hơn so với gạo trắng, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Cuối cùng, người bệnh có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn một lượng lớn cơm trong một bữa duy nhất. Điều này giúp kiểm soát đường huyết và giảm tác động lên hệ tiêu hóa.