BS CK1 Phạm Thị Mỹ Anh, Khoa Nhi - Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết giun đường ruột gây tổn thương thành ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa; kém hấp thu chất dinh dưỡng khiến trẻ chán ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng.
Biểu hiện khi trẻ nhiễm giun?
Một trong những biểu hiện thường gặp là thiếu máu, thiếu sắt khiến trẻ mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, rụng tóc, hay quấy khóc, da xanh xao. Thậm chí, thiếu máu nặng dẫn tới suy giảm tất cả các hoạt động của các hệ cơ quan, gây suy tim, suy giảm miễn dịch làm nhiễm trùng tái phát. Trẻ lớn thì khó tập trung, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động.
Theo BS Mỹ Anh, tại Việt Nam, các loại giun ở đường ruột chủ yếu là giun đũa, giun tóc và giun móc. Nhiễm giun đường ruột là nhóm bệnh lây ít được quan tâm do các biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác. Các biểu hiện của nhiễm giun phụ thuộc vào những yếu tố như: số lượng giun, thời gian nhiễm, cơ quan nhiễm, sức đề kháng, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.
Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa. Nhiễm giun tóc nặng và kéo dài gây triệu chứng giống kiết lỵ: mót rặn, tiêu phân nhầy máu, kéo dài gây sa trực tràng.
Triệu chứng nhiễm giun đường ruột không chỉ ở đường ruột mà còn có thể ở các cơ quan khác. Để phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nhiễm giun, có thể theo dõi các triệu chứng như: Gầy yếu, da xanh xao; rối loạn tiêu hóa; có thể có triệu chứng hô hấp khi ấu trùng 1 vài loại giun di chuyển qua phổi.
Trẻ nhiễm giun kim thường quấy khóc ban đêm do ngứa hậu môn hoặc khi giun bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm, bò vào đường tiểu gây triệu chứng tiểu lắt nhắt.
Tẩy giun cho trẻ như thế nào?
BS Mỹ Anh cho biết WHO khuyến cáo điều trị bằng thuốc định kỳ (tẩy giun) cho tất cả đối tượng nguy cơ sống trong vùng lưu hành bệnh mà không cần chẩn đoán xét nghiệm trước đó; thực hiện mỗi 1 - 2 lần/năm tùy theo tình hình dịch tễ bệnh của từng địa phương.
Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm giun sán trung bình từ 10 - 65%. Vì vậy từ năm 2016, Bộ Y tế đã khuyến cáo nên bắt đầu uống thuốc sổ giun thường quy cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.
Trẻ 12 – 24 tháng có thể sử dụng Albendazole 200mg hoặc Mebendazol 500mg 1 liều mỗi lần điều trị.
Trẻ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn sử dụng Albendazol 400mg hoặc Mebendazol 500mg 1 liều mỗi lần điều trị.
Thuốc có thể uống vào bất kì thời gian nào trong ngày. Nên nhai thuốc tẩy giun rồi uống với nước. Đối với trẻ nhỏ chưa uống được thuốc viên, nên nghiền thuốc hòa tan. Các thuốc này đã trải qua quá trình thử nghiệm an toàn trên quy mô lớn và đã được sử dụng rộng rãi cho hàng triệu người với ít tác dụng phụ ngoài ý muốn hoặc không đáng kể.
Sổ giun cho trẻ nên lưu ý gì?
Theo BS Mỹ Anh, không nên uống thuốc sổ giun khi trẻ đang mắc bệnh cấp tính, sốt trên 38,5 độ; có tiền sử dị ứng thành phần của thuốc; phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, đang cho con bú; trẻ dưới 12 tháng tuổi (ngoài trừ chỉ định đặc biệt của bác sĩ). Trẻ mắc các bệnh mãn tính (thận, tim, suy gan, hen… nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc).
Phòng tránh nhiễm giun như thế nào?
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay.
- Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
- Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín. Cần rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch.
- Vệ sinh môi trường: Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ.
- Cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).