Gần đây, thấy mắt mình mờ hơn, chị Hoàng Thị Huệ (42 tuổi, TP.HCM) nghĩ mình đã có tuổi, hoặc có thể bị viễn thị. Tình trạng này khiến chị hay bị đau nhức mắt, mệt mỏi.

Chị Huệ thăm khám và bác sĩ cho biết có tổn thương ở đáy mắt. Bác sĩ khuyên chị kiểm tra sức khoẻ tổng quát. Kết quả hết sức bất ngờ, đường huyết của chị Huệ cao tới 11mmol/l lúc đói. Từ trước tới nay chị không hề biết mình bị đường huyết cao.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Huy – 39 tuổi, trú tại Bình Dương cũng bị đường huyết cao. Khi tới bệnh viện khám, anh Huy cho biết mình đi tiểu và phát hiện kiến bu. Nghe hàng xóm nói kiến bu là tiểu ra đường nên anh Huy mới đi khám. Kết quả anh bị đái tháo đường, lượng đường huyết rất cao lên tới 13,2 mmol/l. Đặc biệt, chức năng thận của anh Huy cũng bị ảnh hưởng rất nhiều và đang có dấu hiệu suy thận độ 2.

TS Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm nhưng gia tăng rất nhanh. Hiện nay, rối loạn đường huyết, rối loạn mỡ máu đang “tàn phá” sức khoẻ dân số. Tỷ lệ bệnh ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội.

ts-bs-tran-quang-nam-16441045-1660533905908-1660533906204298840930.jpeg

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam khám cho bệnh nhân.

Nếu 15 – 20 năm về trước chỉ 1 – 2% dân số mắc đái tháo đường thì hiện tại tỷ lệ đái tháo đường tính trung bình giao động từ 5-6%. Những nghiên cứu gần đây cho thấy thậm chí tỷ lệ mắc còn lên tới 7-8%.

Đái tháo đường hay gặp nhất là tuyp 1 và tuyp 2. Đái tháo đường tuyp 1 hay gặp ở người bệnh trẻ có các triệu chứng mệt, tiểu nhiều, khát nhiều. Đối với tuyp 1 biểu hiện của rối loạn đường huyết rõ rệt hơn.

Người bị đái tháo đường do tuyến tuỵ không hoạt động khiến cơ thể không tiết ra insuline để chuyển hoá thức ăn. Thiếu insuline nên đường không được đưa vào tế bào khiến cơ thể huy động mỡ vào tế bào sản sinh đường, khiến người bệnh sụt cân rất nhanh. Để duy trì tình trạng sức khoẻ bình thường, người bệnh phải tiêm insuline suốt đời. Nếu không tiêm insuline, người bệnh có thể bị hôn mê, nguy hiểm tính mạng.

Đái tháo đường tuyp 2 hay gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay người mắc bệnh đang trẻ hoá. TS Nam cho biết, những trường hợp 15, 20 tuổi mắc bệnh đều là trường hợp thừa cân, béo phì.

Đái tháo đường tuyp 2 do nhiều yếu tố như gia tăng cân nặng quá mức gây thừa cân béo phì, dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động. Ngoài ra, đái tháo đường cũng có yếu tố di truyền. Người có anh, chị em, bố mẹ mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn người bình thường.

Hiện nay người bệnh đái tháo đường nếu mắc thêm các bệnh cúm, bệnh COVID-19, sốt xuất huyết..., nguy cơ biến chứng cao hơn rất nhiều, nhất là ở người kiểm soát đường huyết không tốt. Đường máu cao miễn dịch giảm làm virus dễ tiếp xúc với người bệnh hơn.

Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường

TS Nam cho biết khi đường huyết cao làm cơ thể thay đổi, người bệnh có triệu chứng tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều nước, sụt cân. Tại phòng khám của BV Đại học Y Dược TP.HCM, BS Nam gặp nhiều than thở của bệnh nhân như mệt mỏi, tiểu nhiều nhất là về đêm, uống nước nhiều. Có những người lần đầu đi khám đường huyết đã rất cao.

Tuy nhiên, bác sĩ Nam cũng cho biết khi có triệu chứng thì đường huyết của người bệnh đã rất cao. Nhiều người không có triệu chứng, chỉ đến khi có biến chứng suy thận, mờ mắt, suy tim mới biết mình mắc đái tháo đường. Thậm chí, có bệnh nhân loét chân, nhiễm trùng lâu lành, tê chân cũng do đường huyết tăng cao nhưng không biết.

TS Nam khuyến cáo nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ trên, không nên chờ đợi dấu hiệu mới đi khám mà nên chủ động đi kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, thử máu để phát hiện sớm đường huyết cao.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022