
Bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị.
Mùa của cúm, sốt xuất huyết
Tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), thời điểm gần đây, số ca mắc cúm được ghi nhận tăng hơn cao hơn so với mọi năm. Trong đó, có một số bệnh nhân diễn biến nặng, suy hô hấp, cần phải thở oxy, thậm chí thở máy. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân được chăm sóc và điều trị kịp thời, nên chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do cúm ở người cao tuổi.
BS. Vũ Hoài Nam, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, cảnh báo: “Hiện thời tiết đã chuyển sang giai đoạn đầu hè nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển; các bệnh lây qua đường hô hấp dễ bùng phát như: Cúm A, cúm B, COVID-19 vẫn còn lưu hành, sốt xuất huyết… Nhất là bệnh cúm mùa dễ diễn biến chứng nặng ở những người cao tuổi, người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy giảm.
Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết cũng đã “vào mùa”, nhất là Hà Nội vẫn đang lưu hành dịch và đã ghi nhận số ca mắc tăng lên, người dân cần hết sức cảnh giác. Với người lớn tuổi, thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, tim mạch, hen suyễn... khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, nên đây là đối tượng có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết biến chứng nặng.
Theo BS. Vũ Hoài Nam, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn đốt. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
“Người già khi mắc sốt xuất huyết cũng có các dấu hiệu cơ bản như: Sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, BS. Vũ Hoài Nam khuyến cáo.
Người già dễ biến chứng nặng
Theo BS. Vũ Hoài Nam, với người cao tuổi có điểm đáng chú ý là khi mắc các bệnh truyền nhiễm thường có biểu hiện ban đầu kín đáo, không có triệu chứng rầm rộ như ở người trẻ nên dễ bị phát hiện muộn, khi đã biểu hiện nặng; các trường hợp nhập viện thường đã có biến chứng nặng. Do các chức năng ở người cao tuổi bị suy giảm, nên khi bị nhiễm virus, vi khuẩn có thể dễ dẫn đến các biến chứng tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy đa tạng…
Vì vậy, với người cao tuổi, khi có biểu hiện như: Ho, sốt, chảy mũi… cần được thăm khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng hướng, tránh để biến chứng nặng, điều trị khó khăn.
Với người già, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Trong thời điểm đầu hè, người già cần tuân thủ theo các hướng dẫn như: Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, ăn đủ chất, đặc biệt cần uống đủ nước do mùa nóng nhu cầu nước cho cơ thể tăng lên. Đặc biệt trong mùa hè, người già khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, tránh cảm nắng; cũng tránh bị nhiễm lạnh khi dùng điều hòa trong nhà...
Hiện đã vào mùa muỗi sinh sôi, phát triển gây dịch sốt xuất huyết, việc phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh nơi ở để phòng sốt xuất huyết cũng rất quan trọng.
BS. Vũ Hoài Nam khuyến cáo: Với bệnh sốt xuất huyết, biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy, vệ sinh môi trường nơi ở. Đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt như: Nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...; đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng…
Với bệnh cúm, nhất là cúm A rất dễ biến chứng nặng nên người già cần tránh tiếp xúc với những nơi nguy cơ như nơi tập trung đông người, tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh... Tại bệnh viện, các biện pháp cách ly điều trị cũng được chú trọng để tránh lây nhiễm chéo cho người già trong bệnh viện.
Đặc biệt, việc tiêm vaccine phòng cúm có hiệu quả phòng bệnh tốt; tuy nhiên vì hiệu lực vaccine không kéo dài nên cần được tiêm nhắc lại hàng năm. Những người được tiêm vaccine sẽ giảm rất nhiều nguy cơ diễn biến nặng của bệnh cúm; nhất là những người già, có bệnh nền.