Một năm trước, anh Hoàng Công Lợi bị cành cây đâm vào hốc mắt trái, đã phẫu thuật lấy dị vật. Sau đó mắt trái giảm thị lực dần, nhãn cầu lồi ra, hay chảy nước mắt, vị trí bị đâm cũ thường xuyên viêm, chảy dịch mủ đục. Gần đây, mắt trái yếu dần, tầm nhìn mờ đục, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Ngày 14/10, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao, cho biết thời điểm kiểm tra, mắt trái anh Lợi sưng nề, nhãn áp cao, giác mạc có điểm loét sâu, thị lực giảm còn 3/10. Kết quả chụp MRI có tiêm thuốc cản quang và siêu âm mắt cho thấy khối tăng âm bất thường hình que, kích thước 1,9x0,7 cm kèm ổ dịch bao quanh dị vật, chèn ép tuyến lệ trên gây tình trạng chảy nước mắt liên tục. Dị vật sót lại có nguồn gốc thực vật và có thể hình thành bao xơ xung quanh nên những lần khám trước đó bác sĩ không phát hiện.
Theo bác sĩ Hiệp, dị vật sót lại lâu khiến mắt trái có hiện tượng sưng mủ, ổ nhiễm trùng hốc mắt làm nhãn áp tăng cao, gây áp lực lên các đầu dây thần kinh thị giác. Dây thần kinh thị lực bị tổn thương sẽ dẫn tới suy giảm thị lực hoặc mất thị lực vĩnh viễn không thể phục hồi.
Anh Lợi được phẫu thuật lấy dị vật. Do dị vật nằm sâu trong hốc mắt 3 cm, ngay cạnh nhãn cầu, các bác sĩ phải lên kế hoạch cẩn thận, tránh tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến mù mắt.
TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, phẫu thuật loại bỏ dị vật cho anh Lợi theo đường mổ mở nắp sọ. Phương pháp này tạo đường tiếp cận gần nhất với dị vật và bộc lộ phẫu trường rộng hơn, giúp bác sĩ dễ quan sát và thao tác phẫu thuật.
Ê kíp sử dụng hệ thống định vị chuyên dụng để dẫn đường, xác định vị trí chính xác. Bác sĩ Đức Anh phẫu tích các lớp cân cơ tiếp cận hốc mắt trái và bóc khối áp xe, loại bỏ dị vật mảnh gỗ kích thước gần 2 cm và đường rò rỉ mủ trong hốc mắt trái.
Ê kíp bác sĩ phẫu thuật lấy dị vật trong hốc mắt anh Lợi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Sau một tuần điều trị nội trú, tình trạng sưng viêm, tụ nề ở mắt trái của anh Lợi giảm nhiều, thị lực hồi phục 8/10, cơ vận nhãn được phục hồi, tuy nhiên trên giác mạc mắt trái có điểm loét. Do tình trạng phù nề mắt kéo dài nhiều tháng trước đó, kết mạc của người bệnh có điểm gồ, khiến màng phim nước mắt không được dàn đều. Vị trí dưới chân điểm gồ lên bị khô và dẫn tới loét sâu trong giác mạc.
Bác sĩ Hiệp kê thuốc nhỏ mắt nhân tạo và kháng sinh kết hợp, hẹn anh Lợi tái khám sau một tháng.
Mảnh gỗ dài gần 2cm sót lại trong hốc mắt suốt một năm. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Dị vật mắt thường gặp trong sinh hoạt hay công việc, đôi khi kèm theo các chấn thương làm tổn thương nhãn cầu, có thể ảnh hưởng tới thị lực của mắt. Để phòng ngừa các chấn thương, dị vật mắt trong, trong quá trình làm việc, mọi người cần đeo kính bảo hộ và tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo người bị dị vật sắc nhọn ở mắt không nên tự ý loại bỏ dị vật do có nguy cơ làm tổn thương thêm cấu trúc nhãn cầu, ảnh hưởng thị lực về sau. Người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt để bác sĩ xử trí kịp thời. Với những dị vật nhỏ như bụi, côn trùng, lông mi... có thể chớp mắt liên tục, rửa mắt với nước sạch để nhẹ nhàng loại bỏ dị vật, không nên dụi mắt vì có khả năng làm tổn thương giác mạc.
Khuê Lâm