Bộ Y tế cảnh báo bên cạnh các dịch bệnh đường hô hấp thì dịch bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng gia tăng. Bệnh liên quan nhiều đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới và những người có nhiều bạn tình.
Gia tăng số ca mắc
TS-BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết ghi nhận tại TP HCM và khu vực phía Nam năm 2023 có 151 ca nghi mắc đậu mùa khỉ, xét nghiệm phát hiện 139 ca dương tính, 6 trường hợp tử vong. Hầu hết các ca mắc được ghi nhận tại TP HCM. 100% ca mắc tại địa phương này là nam giới, tuổi dao động 18 - 49, ở các tỉnh có một số ca là nữ giới nhưng có điểm chung là có quan hệ tình dục với người mắc. Có đến 78% người mắc là đồng tính nam (MSM) và gần 60% ca bệnh nhiễm HIV. Các trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ đều là ca bệnh nhiễm HIV/AIDS không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ. Các chuyên gia y tế nhận định bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng nhưng lo ngại đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, HIV. Bệnh đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ xát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh.
Hành khách nhập cảnh ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong tổng số 113 bệnh nhân tại TP HCM, hầu hết đều đã khỏi bệnh, có 6 ca bệnh tử vong là những người nhiễm HIV nhưng không điều trị hoặc bỏ điều trị. Hiện 10 trường hợp còn cách ly điều trị gồm 4 trường hợp cách ly tại nhà và 6 trường hợp cách ly tại bệnh viện. "100% ca bệnh có địa chỉ TP HCM là nam giới, có phát hiện một vài ca là nữ giới, cư ngụ tại các tỉnh và có quan hệ tình dục với nam giới bị đậu mùa khỉ. Có tới 78% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm MSM" - bà Nga thông tin.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh, 6 người tử vong
Theo Sở Y tế TP HCM, ngay sau khi phát hiện trường hợp đậu mùa khỉ vào tháng 9-2023, sở đã yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện các hoạt động giám sát bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải, thuyền viên trên tàu đang neo đậu tại cảng để phát hiện sớm người nghi mắc thông qua máy đo thân nhiệt và quan sát người có triệu chứng nghi ngờ, tiếp nhận thông tin người có triệu chứng nghi ngờ từ tiếp viên hàng không hoặc người nhập cảnh tự khai báo… Đồng thời, giám sát ca nghi ngờ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, đặc biệt chú trọng ở các phòng khám da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa/nam khoa. Ngoài ra, lưu ý đến các nhóm nguy cơ nhiễm cao như nam hoặc nữ có nhiều bạn tình, người có bệnh lây truyền qua đường tình dục, nam quan hệ tình dục đồng giới…
Tuy nhiên, đại diện HCDC cho biết vẫn còn tình trạng bỏ sót ca bệnh đậu mùa khỉ do nhân viên y tế không nghĩ đến bệnh khi gặp ca có triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, căn bệnh này vẫn còn khá mới, người bệnh không biết các dấu hiệu của bệnh hoặc không nghĩ bản thân có thể mắc bệnh nên không đi khám hoặc đến bệnh viện muộn. Đặc biệt, công tác điều tra, truy vết rất khó khăn khi khai thác các thông tin liên quan hành vi nguy cơ và người tiếp xúc gần. "Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B và theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ không thuộc đối tượng bắt buộc cách ly điều trị. Do đó, Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế sớm điều chỉnh quy định "cách ly tại cơ sở y tế" đối với bệnh đậu mùa khỉ" - đại diện HCDC đề xuất.
Nhiều tiềm ẩn trong cộng đồng
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng tâm lý giấu bệnh, e ngại vì sợ bị kỳ thị, những người có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ cao như nhóm MSM, người hành nghề mại dâm có thể là nguồn lây nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng. "Với nhóm đồng giới nam khi quan hệ tình dục chủ yếu qua đường hậu môn. Trong khi đó niêm mạc hậu môn mỏng, cộng với niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch nên khi ma sát dễ bị tổn thương và gây chảy máu. Thông qua vết thương, virus đậu mùa khỉ sẽ xâm nhập từ người nhiễm bệnh sang người chưa nhiễm. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam là rất cao" - một bác sĩ lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo trong một số ngày tới sẽ gia tăng giao lưu, đi lại nhân dịp Tết Nguyên đán, trong đó có cả người mắc hoặc mang mầm bệnh đậu mùa khỉ, nguy cơ có thể xuất hiện ca mắc ngoài TP HCM và khu vực phía Nam. Bà Hương đề nghị các địa phương chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.
Theo các chuyên gia, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi từ vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Có thể vẫn còn các ca mắc tiềm ẩn trong cộng đồng. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan.
Để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như MSM, người nhiễm HIV, người suy giảm miễn dịch…, việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là một cách để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bởi khi quan hệ tình dục vẫn có khả năng lây nhiễm thông qua các tiếp xúc khác ở da và niêm mạc. Do vậy, nếu có các triệu chứng nghi ngờ, cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán, cách ly, tránh lây cho người khác. Ngoài ra, cần kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm và lây nhiễm HIV phải đi đôi với nhau, phải làm sao để các ca bệnh đậu mùa khỉ có ý thức không lây nhiễm thêm.
Chưa có sinh phẩm xét nghiệm
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện chưa có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ nào được cấp phép, trong khi chỉ xét nghiệm bằng sinh phẩm được cấp phép mới được khẳng định ca mắc. Thời gian qua, các xét nghiệm đều sử dụng các đoạn mồi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp và giải trình tự gien trên máy PCR. Hiện Bộ Y tế đã hướng dẫn các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp nhận sinh phẩm hỗ trợ từ WHO sau đó phân bổ cho bệnh viện và cơ sở có nhu cầu điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.