Đó là trường hợp của Robert Glynn, một thợ hàn sống ở Greater Manchester, được chẩn đoán ung thư đường mật, còn gọi ống mật, vào tháng 6/2020. Trước đó, ông bị đau dữ dội ở vai, mất ngủ nhiều đêm.

Tại thời điểm phát hiện bệnh, tình trạng ung thư của ông đã ở giai đoạn nặng, lan đến tuyến thượng thận và gan với những khối u quá lớn để có thể phẫu thuật. Bác sĩ xác định bệnh ở giai đoạn 4, tiên lượng bệnh nhân chỉ sống được 12 tháng.

Ung thư ống mật là bệnh hiếm gặp do các tế bào ống mật biến đổi bất thường thành khối u. Ống mật là ống dài nối túi mật, gan với ruột non, có nhiệm vụ dẫn mật sản xuất từ gan và lưu trữ trong túi mật đổ xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn. Bệnh chủ yếu gặp ở những người trên 65 tuổi.

Sau đó, ông Glynn tham gia thử nghiệm lâm sàng loại thuốc trị liệu miễn dịch đã được phê duyệt để chữa ung thư phổi, thận và thực quản. Thử nghiệm lâm sàng được điều hành bởi giáo sư Juan Valle, nhà khoa học hàng đầu thế giới về ung thư đường mật.

b6d2882e96637f3d2672-jpeg-4872-1672476304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IezXCQTm2ScAFdaEIZ2r6w

Ông Robert Glynn chữa khỏi ung thư di căn sau khi dùng thuốc thử nghiệm. Ảnh: PA

Phương pháp điều trị giúp hệ thống miễn dịch của một người chống lại ung thư, kết hợp với hóa trị liệu tiêu chuẩn.

Kết quả cho thấy các khối u của ông Glynn thu nhỏ lại sau quá trình điều trị. Khối u trong gan giảm từ 12 cm xuống 2,6 cm, trong khi khối u tuyến thượng thận giảm từ 7 cm còn 4,1 cm.

Các bác sĩ phẫu thuật chỉ tìm thấy mô chết, điều đó có nghĩa phương pháp này đã tiêu diệt tất cả tế bào ung thư.

Kể từ khi được phẫu thuật vào tháng 4, ông Glynn không cần điều trị thêm và các lần chụp cắt lớp ba tháng một lần cho thấy ông không còn khối u.

"Khi được lựa chọn tham gia nghiên cứu, tôi đã chớp lấy cơ hội. Các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ tế bào ung thư nào đang hoạt động. Họ đã kiểm tra các khối u hai lần vì không thể tin được điều đó", ông Glynn cho biết.

Giáo sư Juan Valle, người đứng đầu thử nghiệm lâm sàng, nói bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc do khối u của ông có số lượng đột biến gene cao.

"Hầu hết bệnh nhân với chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối không có nhiều đột biến trong tế bào ung thư nên việc điều trị sẽ không hiệu quả. Điều đó làm nổi bật tầm quan trọng của y học cá nhân hóa", ông Valle nói.

Khoảng 1.000 người ở Anh được chẩn đoán mắc ung thư ống mật mỗi năm. Theo Tổ chức Ung thư gan Anh, nếu ung thư đã di căn, chỉ có 2% số bệnh nhân sống qua 5 năm sau khi được chẩn đoán.

"Kết quả nghiên cứu được các đồng nghiệp của chúng tôi trên toàn thế giới rất mong đợi vì có thể dẫn đến thay đổi trong phác đồ điều trị những bệnh nhân như ông Glynn trong tương lai", giáo sư Valle chia sẻ.

Doãn Hùng (Theo Independent)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022