Đã 6 năm nay, Li Huan phải làm việc tại căng tin của trường học để nuôi con gái 12 tuổi Qing Qing. Dù nợ nần chồng chất, cô có nỗi lo lớn hơn cả vấn đề tiền bạc: Qing Qing bị liệt sau khi gặp một tại nạn tại lớp học múa, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn và cần sự hỗ trợ của mẹ để di chuyển.

"Họ chỉ trả tôi 1.000 nhân dân tệ (140 USD), thấp hơn nhiều so với số tiền chúng tôi phải bỏ ra cho chi phí y tế. Nhưng tôi vẫn rất vui vì trường đã đồng ý tuyển dụng mình", người mẹ 37 tuổi, sống tại Vũ Hán, cho biết.

Rời khỏi căng tin, cô đẩy chiếc xe lăn của con gái qua những hành lang hẹp, lên cầu thang và băng qua đám đông học sinh. Ở nhà, Li loay hoay với chi phí y tế và cuộc chiến pháp lý đòi tiền bồi thường từ trường múa.

Vụ tai nạn xảy ra vào năm 2017, khi Qing Qing lên 5. Vào thời điểm đó, giống với những bậc cha mẹ khác trên toàn Trung Quốc, cô đăng ký cho con học lớp múa dân gian để tăng cường thể chất và sự linh hoạt. Tại lớp, Qing Qing phải học một động tác cơ bản là uốn cong lưng ra sau, cả tay và chân đều giữ trên mặt sàn. Qing Qing bị ngã khi đang tập luyện, khiến tủy sống thương nặng, gây tình trạng liệt từ ngực trở xuống. Các bác sĩ cho biết cô bé sẽ không bao giờ đi lại được nữa.

"Khi ấy, tôi chưa từng tưởng tượng động tác nhảy đơn giản như vậy lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sự việc xảy ra quá đột ngột", Li nói.

Trước khi tình trạng chấn thương cột sống ở trẻ trở nên phổ biến khắp cả nước, nhiều bậc cha mẹ như Li lựa chọn lớp học múa cho con cái dựa trên sự thuận tiện đi lại và các khuyến nghị không chính thức.

Li xem đây đơn giản là hoạt động rèn luyện thể chất mỗi tuần cho con. Cô chọn ngẫu nhiên một lớp học trong số hàng chục cơ sở nằm trong khu phức hợp tòa nhà ở Vũ Hán.

"Giáo viên còn trẻ, có vẻ dễ tính và tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo nghiệp dư, không hướng đến chuyên nghiệp, tức là các lớp học dễ hơn", cô nói.

Vì cho rằng học múa là hoạt động vô hại, khi được thông báo về tai nạn của con gái, Li chưa vội lo lắng. Các cô giáo chỉ thông báo Qing Qing bị ngã và khóc. Cô bé được phép nghỉ ngơi, nhưng sau đó tiếp tục học các động tác. Tuy nhiên, đến khoảng 11h đêm cùng ngày, Qing Qing đau đớn đến mức không thể ngủ được. Li đưa con gái đến bệnh viện gần nhất và nhận được tin xấu, bác sĩ cho biết Qing Qing có nguy cơ bị liệt và cần phẫu thuật khẩn cấp. Dù vậy, ca phẫu thuật không thể khắc phục được chấn thương nghiêm trọng của cô bé.

Những năm tháng tiếp theo, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của hai mẹ con. Do bị liệt và tiểu tiện không tự chủ, Qing Qing thường xuyên nhiễm trùng kèm sốt. Ngay cả khi ở nhà, Li cũng phải sẵn sàng để chuyển con đến viện bất cứ lúc nào.

Khi động tác đơn giản gây ra chấn thương không thể phục hồi

Tình trạng của Qing Qing được phân loại là chấn thương tủy sống do giãn quá mức cấp tính ở trẻ em (PAHSCI). Chấn thương xảy ra do gãy xương ở ngực và vùng lưng dưới, thường là kết quả của việc cột sống bị duỗi quá mức lặp đi lặp lại hoặc kéo dài.

Khoảng 70% bệnh nhân mắc PAHSCI bị thương tích hoàn toàn. Hiện bệnh không có phương pháp điều trị hiệu quả nào. Người Trung Quốc thường gọi bệnh này là tê liệt gập lưng.

Trẻ em bị thương tích như vậy thường chỉ có 4 giờ để điều trị hiệu quả, được gọi là "khoảng thời gian vàng". Các triệu chứng ban đầu gồm đau nhẹ ở lưng, chân hoặc cảm giác bất thường kèm tê liệt. Trong thời gian vàng, 90% bệnh nhân vẫn có thể hoạt động thể chất, làm tăng nguy cơ chấn thương thứ cấp và bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu.

268-jpeg-1714640016-9656-1714640118.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZeL_yBohwnRqMz695ZCJYQ

Động tác uốn cong lưng phổ biến tại các lớp học múa Trung Quốc. Ảnh: VCG

Số ca chấn thương ngày càng tăng

Nghiên cứu những năm gần đây tại nhiều bệnh viện cho thấy các ca chấn thương tương tự Qing Qing gia tăng một cách đáng báo động. Nhiều thiếu niên và trẻ em bị tổn thương cột sống nghiêm trọng do các động tác múa thông thường, đặc biệt là uốn cong lưng.

Dữ liệu từ năm 2015 đến năm 2019 của Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc và nhiều bệnh viện chỉ ra rằng chấn thương tủy sống do tư thế uốn người chiếm 33,9% trong tổng số ca chấn thương ở trẻ em, tăng từ mức 4% giai đoạn 1992 - 2002. Khoa Phục hồi chức năng Chấn thương Tủy sống tại Bệnh viện Bắc Kinh cũng báo cáo mức tăng tương tự ở trẻ dưới 14 tuổi, cho thấy kể từ năm 2005, hơn 1.000 trẻ em đã bị liệt.

Mức tăng này tỷ lệ thuận với sự phát triển nhanh chóng của ngành đào tạo nhảy, múa trước đại dịch, trong bối cảnh các lớp học không được quản lý, giáo viên không đủ tiêu chuẩn và bài học thiếu nhất quán.

Sau một số báo cáo của giới y khoa, nhiều trường múa phải ngừng dạy động tác uốn người theo yêu cầu của phụ huynh. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra lời nhắc nhở, kêu gọi trẻ em không tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất nặng từ quá sớm. Bộ đặc biệt cảnh báo trẻ dưới 10 tuổi cần cẩn trọng khi thực hiện động tác uốn người.

Tuy nhiên, các bệnh viện tiếp tục báo cáo nhiều trường hợp bị liệt mới ở trẻ em liên quan đến việc học múa. Bác sĩ và nhiều huấn luyện viên kêu gọi đánh giá chuyên môn và quản lý rủi ro trước khi cho phép trẻ tập luyện tư thế này.

Tiến sĩ Guo Xiaodong, giám đốc Khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, cho biết: "Chúng ta cần có sự phối hợp trong việc điều trị và ngăn ngừa những loại chấn thương này. Tuy nhiên, điều quan trọng là đảm bảo nhận thức rộng rãi, có quy định chặt chẽ trong việc giáo dục và đào tạo bộ môn".

Thục Linh (Theo Sixth Tone)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022