Sởi lan rộng, bệnh nhân người lớn gia tăng
Báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2025, toàn thành phố ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sởi, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một ca tử vong. Đây là con số gia tăng đột biến so với cùng kì năm 2024 - thời điểm không ghi nhận ca mắc nào.
Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 60%), trong đó có tới 91% chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Một số địa phương ghi nhận số ca mắc cao như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm…

Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ ở Hải Phòng.
Không chỉ trẻ nhỏ, các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người lớn mắc sởi với biểu hiện nặng. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: “Từ cuối năm 2024 đến nay, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 10-20 bệnh nhân sởi, trong đó có nhiều ca người lớn với biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não”. Một trường hợp điển hình là nam bệnh nhân 38 tuổi, sống tại Gia Lâm (Hà Nội), có tiền sử khỏe mạnh, nhưng diễn tiến bệnh nhanh chóng. Sau một ngày sốt cao, bệnh nhân phát ban toàn thân, ho, đau họng, suy hô hấp và viêm phổi nặng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân phải hồi sức tích cực, thở máy và can thiệp bằng ECMO - thiết bị hỗ trợ tim phổi nhân tạo.
Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng hoặc không tiêm nhắc lại. Ngoài ra, có khoảng 5% bệnh nhân nhập viện có biến chứng như: viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản…
Tay chân miệng bùng phát tại trường học
Dịch bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu bùng phát trong những tuần gần đây. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong ba tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã ghi nhận 785 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tuần từ 28/3 đến 4/4, có thêm 203 trường hợp mới, xuất hiện tại 25 quận, huyện, với nhiều ổ dịch trong các trường mầm non. Một số địa phương ghi nhận số ca mắc cao gồm: Hà Đông (32 ca), Chương Mỹ (27 ca), Nam Từ Liêm (26 ca)…
CDC Hà Nội cho biết, trong tuần qua, thành phố phát hiện thêm 4 ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên 12 ổ, trong đó 6 ổ đang hoạt động tại các quận: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa. Tại quận Đống Đa, sau khi phát hiện 2 trẻ tại một nhóm trẻ tư thục mắc bệnh, UBND phường Thịnh Quang đã phối hợp với Trung tâm Y tế tiến hành khử khuẩn, giám sát và điều tra dịch tễ, xử lí ổ dịch theo đúng quy định bằng Cloramin B. CDC Hà Nội nhận định: “Dịch tay chân miệng đang gia tăng theo chu kì hằng năm, đặc biệt trong thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới”.
Cúm mùa tiếp tục diễn biến phức tạp
Không chỉ sởi và tay chân miệng, bệnh cúm mùa cũng đang diễn biến khó lường. Trong quý I, Hà Nội ghi nhận 4.267 trường hợp mắc cúm, tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kì năm ngoái. Các ca mắc rải rác tại tất cả các quận, huyện.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhận định: “Cúm mùa có khả năng lây lan cao, thường tạo thành các chùm ca bệnh hoặc ổ dịch trong cộng đồng. Đối với người có hệ miễn dịch yếu, bệnh dễ gây biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan”.
Dịch cúm kết hợp với sởi và tay chân miệng khiến các cơ sở điều trị tại Hà Nội chịu áp lực lớn trong những tuần gần đây. Trong tuần đầu tháng 4, thành phố ghi nhận hơn 400 ca mắc sởi và tay chân miệng mỗi tuần - con số cao nhất kể từ đầu năm.
Giải pháp cấp bách
Trước nguy cơ bùng phát “ dịch chồng dịch ”, CDC Hà Nội đã yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm vắc xin sởi cho trẻ em chưa được tiêm đầy đủ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1 đến 10 tuổi.
Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường giám sát ca bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường học, xử lí triệt để ổ dịch, tiến hành tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn định kì. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh: “Cần phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục và y tế để khống chế dịch. Việc tiêm chủng đầy đủ và nâng cao ý thức phòng bệnh là biện pháp cốt lõi để ngăn ngừa dịch bùng phát quy mô lớn”.