Ngày 25/7/1978, truyền thông thế giới tập trung tại Oldham, Greater Manchester. Các tay săn ảnh điên cuồng đeo bám để chụp được bức ảnh của bé gái. Họ gây ra cảnh tượng hỗn loạn, thậm chí một vụ dọa đánh bom khiến các bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Oldham phải sơ tán.
Bé gái chào đời ngày hôm sau bằng phương pháp sinh mổ, được đặt tên Louise Joy Brown, cơ thể khỏe mạnh, tóc vàng, nặng 2,6 kg. Cha mẹ cô, Lesley và John, không phải là người nổi tiếng. Nhưng hoàn cảnh ra đời của Louise khiến cô trở thành một phép màu y học.
Cô là em bé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm đầu tiên trên thế giới, mở đầu cho khoảng 8 triệu trẻ khác ra đời bằng hình thức này. Tên đệm của Louise được bác sĩ Patrick Steptoe và nhà sinh vật học Robert Edwards đặt. Họ nói sự ra đời của cô bé mang lại niềm vui cho rất nhiều người. 45 năm sau, điều đó vẫn là sự thật.
Thủ tục nhận nhiều ý kiến trái chiều
Louise vẫn là biểu tượng hy vọng cho hàng triệu người khao khát có được một đứa con. Tuy nhiên, quay trở lại những năm 1970, sự ra đời của cô gặp nhiều phản ứng trái chiều. Một số người cáo buộc gia đình cô đã tạo ra một "em bé quái vật" (Frankenbabies). Vatican cho rằng điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại.
Đối với cặp vợ chồng Bristol Lesley và John, quyết định sinh Louise bằng phương pháp được coi là kỳ lạ thời bấy giờ đến từ những giờ phút tuyệt vọng. Cả hai đã cố gắng có con trong vòng 9 năm, nhưng không thành công do ống dẫn trứng bị tắc. Vì vậy, bác sĩ riêng đã giới thiệu cả hai đến Steptoe và Edwards. Lesley khi ấy là một người phụ nữ nhút nhát, khiêm tốn, nhưng có lòng dũng cảm và quyết tâm thay đổi lịch sử.
"Mẹ tôi chỉ muốn có một đứa con, và dù thế nào đi chăng nữa, bà cũng đã làm được điều đó", Louise nói.
Louise Joy Brown ngày chào đời tại bệnh viện. Ảnh: Sun
Để thụ tinh ống nghiệm, bác sĩ sẽ lấy một quả trứng ra khỏi buồng trứng của Lesley và thụ tinh với tinh trùng của John. Phôi thu được sẽ cấy lại vào tử cung của Lesley hai ngày sau đó. Kể từ năm 1971 đến năm 1977, các nhà khoa học đã thực hiện 64 ca chuyển phôi, nhưng tất cả đều thất bại - một sự thật mà Lesley không nhận ra vào thời điểm đó.
"Đến gần cuối thai kỳ, mẹ tôi mới biết rằng mình sẽ là trường hợp đầu tiên trên thế giới", Louise kể lại.
Khi Louise từ bệnh viện trở về 11 ngày sau khi sinh, ngôi nhà của gia đình tràn ngập hàng trăm tấm thiệp, thư chúc mừng và đồ chơi. Bên cạnh đó, họ cũng nhận được những lời thù ghét, đe dọa, một bưu kiện chứa thứ chất lỏng lạ màu đỏ, một ống nghiệm thủy tinh vỡ, một bào thai bằng nhựa.
"Thử tưởng tượng xem điều này khiến mẹ tôi lo lắng thế nào", Louise nói.
Cuộc sống cẩn trọng
Sự chú ý đó theo cả hai mẹ con suốt cuộc đời. Louise thừa nhận điều này đôi khi khiến cô căng thẳng. Khi còn trẻ, cô có cảm giác tất cả con mắt trên phố, tại trường học đều đang nhìn mình. Đến năm 1980, mẹ cô sinh thêm em gái Natalie, cũng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Cả hai thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để kỷ niệm các cột mốc quan trọng như sinh nhật, nhằm giảm bớt áp lực cho Louise.
Trong suốt thời thơ ấu, họ phải làm quen với việc phát hiện các phóng viên và nhiếp ảnh gia rình rập trên đường phố. Louise lần đầu biết cách mình được sinh ra vào năm 4 tuổi, khi trò chuyện với bố mẹ và xem video giải thích quá trình sinh nở đặc biệt.
Đôi khi, bà Lesley cảm thấy phiền lòng khi phải "chia sẻ con gái mình với cả thế giới". Tuy nhiên, Louise khẳng định cuộc sống của cô vẫn bình thường qua nhiều năm, giống như những người khác, song có thêm báo chí và truyền thông tham gia vào những dịp đặc biệt.
Khi lớn lên, Louise vẫn rất gần gũi với mẹ. Lesley luôn cố gắng bảo vệ con gái mình trước những lời lẽ có phần "tàn nhẫn và gây tổn thương" của những người xung quanh.
Louise chụp ảnh cùng Giáo sư Robert Edwards, nhà sinh vật học tiên phong cho phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Sun
Louise gặp chồng mình, Wesley Mullinder, bảo vệ tại một hộp đêm vào năm 2002. Cặp đôi ở bên nhau vài tháng, trước khi anh nhận ra Louise là em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới. Tình cờ, Wesley sống đối diện gia đình cô, từng đứng trong đám đông bên ngoài nhà khi Louise được đưa từ bệnh viện trở về. Louise cảm thấy thú vị với sự trùng hợp ngẫu nhiên này.
Họ kết hôn vào năm 2004, chào đón con trai đầu lòng vào hai năm sau. Bé trai thứ hai được sinh ra vào năm 2013. Cả hai đều thụ thai tự nhiên, không cần điều trị sinh sản.
Hiện Louise đã 45 tuổi, làm công việc thư ký tại một công ty vận tải. Cô thể hiện quyết tâm sống bình thường nhất có thể. Ngôi nhà của cô ấm áp với nhiều thú cưng. Cha cô qua đời hai tuần trước khi cô sinh con đầu lòng, mẹ cô ra đi năm 2012.
Những bức thư thù ghét được thay thế bằng các trò đùa cợt trên mạng. Đến năm 2017, người dùng mạng xã hội đôi khi vẫn bình luận ác ý và thiếu hiểu biết, song Louise chỉ đơn giản là lờ chúng đi, cô cho biết.
Những năm gần đây, cô thoải mái hơn với danh xưng "em bé ống nghiệm đầu tiên" của mình và coi đó là một đặc ân.
Thục Linh (Theo Sun)