"Việc điều trị ngay trên xe cấp cứu lưu động thời gian gần đây đã giúp 1/3 bệnh nhân đột quỵ ở Mỹ và châu Âu được điều trị trong vòng 60 phút kể từ lúc khởi phát", giáo sư Mark Parsons, chuyên gia đột quỵ hàng đầu của thế giới, chia sẻ tại hội nghị đột quỵ TP HCM, ngày 30/10.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng đây là một con số "trong mơ" vì từ lúc bệnh nhân khởi phát triệu chứng đến lúc được chẩn đoán, điều trị luôn chỉ 60 phút. Điều này mở ra chương mới, được xem là tương lai của điều trị đột quỵ cấp, hiệu quả hơn rất nhiều so với quy trình nước ta hiện nay là đưa đến bệnh viện mới điều trị.

"Việt Nam chưa thể triển khai mô hình này, song đây là đường đi cần hướng đến, cần làm theo. Tôi tin rằng điều trị đột quỵ trên xe cấp cứu lưu động là bước đột phá thứ ba của nước ta, sau hai đột phá tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối dụng cụ", bác sĩ Thắng nói, thêm rằng việc điều trị đột quỵ trên xe lưu động sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều, bởi chỉ cần tiết kiệm 15 phút sẽ giảm 4% tử vong, tăng 4% cơ hội phục hồi tốt.

-4327-1667095094.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d-stvP-sMiSSsNB4vKNOAg

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ tại hội nghị đột quỵ TP HCM, ngày 29/10. Ảnh: Hiểu Khuê

Lãnh đạo Hội Đột quỵ nhìn nhận quy trình chuyển viện bệnh nhân ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Ông ví dụ trường hợp bé gái 14 tuổi, ở địa phương cách TP HCM khoảng 30km. Bệnh nhi không có yếu tố nguy cơ, đột ngột liệt nửa người trái, được đưa đến trung tâm y tế huyện cách nhà 2km. Nơi này không có phương tiện chẩn đoán, không thể xử trí nhưng giữ bệnh nhân khoảng 1-2 giờ.

Sau đó, bệnh nhi được chuyển 5km đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ chụp CT mạch máu não, chẩn đoán nhồi máu não cấp, tắc động mạch não giữa bên phải, song không thể điều trị. Bác sĩ tiếp tục chuyển đến trung tâm đột quỵ ở TP HCM vào giờ thứ 6. Cháu được chỉ định chụp cộng hưởng từ tưới máu não, mất khoảng 60 phút và không thể làm gì thêm vì lõi nhồi máu đã có kích thước quá lớn.

Bác sĩ Thắng phân tích, với trường hợp này, trung tâm y tế huyện nên chuyển thẳng TP HCM vì tỉnh chưa có trung tâm đột quỵ. Hoặc, bệnh viện tỉnh sau khi nhận bệnh nhân đột quỵ, có thể chuyển thẳng TP HCM mà không cần chụp CT Scan hoặc MRI vì việc khảo sát hình ảnh sẽ làm mất thời gian, trong khi bệnh viện cũng không có khả năng làm được gì thêm.

Cả nước hiện có khoảng 81 trung tâm điều trị đột quỵ, nhưng chỉ có 6 đơn vị có khả năng làm can thiệp lấy huyết khối dụng cụ. Đây là số rất thấp, bởi khoảng 30-40% bệnh nhân đột quỵ bị tắc động mạch não lớn, cần lấy huyết khối dụng cụ.Do đó, nếu bệnh nhân bị đột quỵ, gần đó có trung tâm đột quỵ (có thể tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch) thì nên chuyển đến để điều trị bằng phương pháp này.

Nếu khoảng cách không quá xa, việc chuyển thẳng lên trung tâm đột quỵ cuối cùng, bỏ qua đơn vị đột quỵ sơ khởi gần nhất, được xem là lựa chọn hợp lý, tránh làm chậm thời gian lấy huyết khối nếu bệnh nhân có tắc động mạch não lớn. "Khi chưa có đơn vị đột quỵ, xin đừng giữ bệnh nhân đột quỵ cấp trong giờ vàng, chỉ để chụp hình và chẩn đoán", bác sĩ Thắng nói.

Theo cảnh báo mới của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 4 người bình thường, sẽ có một người bị đột quỵ trong tương lai. Trước đây, con số này là 6 người, song hiện nay tần suất mắc đã tăng trên toàn cầu. Hàng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mới mắc và 6 triệu người tử vong, để lại hơn 80 triệu bệnh nhân sống trong tình trạng tàn phế. Ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ đã vượt lên hàng thứ nhất, cao hơn cả tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022