Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá. Sáng 15/3, ông đột ngột đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, huyết áp tụt, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Ngọc Tân, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ ngừng tim bất cứ lúc nào. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, chuyển bệnh nhân sang phòng can thiệp tim mạch cấp cứu.
Ê kíp cho biết bệnh nhân tắc hoàn toàn một nhánh mạch động mạch vành phải (RCA), chỉ định đặt stent. Trong quá trình can thiệp, người bệnh bất ngờ ngừng tim, mất ý thức, mạch và huyết áp không đo được.
"Tình huống vô cùng nguy kịch, chúng tôi gấp rút sốc điện, hồi sức cấp cứu ngừng tim, ngừng thở", bác sĩ Tân kể.
Vài phút sau, bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại, được y bác sĩ đặt stent tái thông động mạch vành. Hiện, người bệnh tiếp tục theo dõi sức khỏe sau mổ.
Bác sĩ can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong. Nhiều trường hợp chết ở những giờ đầu tiên trước khi nhập viện vì các biến chứng liên quan rối loạn nhịp. Đặc biệt, nếu bệnh nhân ngưng tim ngoại viện, tỷ lệ tử vong trên 90%. Trường hợp nhập viện và điều trị kịp thời, tỷ lệ này giảm còn 6-10%.
Bác sĩ khuyến cáo các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp như huyết áp, đường máu cao, hút thuốc lá, tuổi già, stress, lười vận động, tiền sản giật. Biểu hiện thường gặp nhất là đau ngực, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác.
Để phòng ngừa, người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần để tầm soát. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hoặc có dấu hiệu đột nhiên đau tức ngực dữ dội, người bệnh cần đến bệnh viện ngay.
Minh An