Ngày 5/11, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé vào viện địa phương với nhiều chấm xuất huyết ở chân tay và bụng, huyết áp tụt nhiều. Các xét nghiệm thấy dung tích cầu tăng gần gấp đôi bình thường, tiểu cầu giảm hơn 10 lần, men gan tăng.
Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng. Đây là biến chứng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể suy đa tạng, tử vong. Bác sĩ điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ, song trẻ quá nhỏ tháng, lại bụ bẫm (7,2 kg), khó thiết lập đường truyền nên bác sĩ chuyển viện vào TP HCM.
Lúc vào viện, trẻ tím tái, huyết áp khó đo. Các bác sĩ chích đầu trên xương chày ở chân làm đường truyền dịch chống sốc và dung dịch điện giải, sau đó đổi sang loại thuốc chống sốc mạnh hơn là dung dịch cao phân tử.
Bé cũng được thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, hô hấp. Sau 48 giờ, tình trạng của trẻ dần cải thiện, tỉnh táo.
"Trẻ nhũ nhi khi vào sốc rất khó thiết lập đường truyền tĩnh mạch, chích tủy xương làm đường truyền là thủ thuật cấp cứu cần thiết để cứu mạng trẻ", bác sĩ Tiến nói.
Bệnh nhi điều trị sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo bác sĩ Tiến, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi, một số trường hợp biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói... Triệu chứng này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng hay bệnh tay chân miệng... nên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị kịp thời.
Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng. "Giai đoạn hết sốt, vào khoảng ngày 4-5 khởi phát bệnh, là thời điểm nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Khoảng 10-20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn thì chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, tay chân lạnh.
Lê Phương