Bệnh cúm lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC ước tính, bệnh cúm đã gây ra 9 triệu - 35 triệu người mắc bệnh mỗi năm ở Mỹ, kể từ năm 2010. Trung tâm ước tính, tử vong liên quan đến cúm là 12.000 người (năm 2011), lên 56.000 người (năm 2012 và năm 2013). Nói về cúm mùa, mọi người vẫn còn hết sức chủ quan, nhận định bệnh cúm là bệnh nhẹ, chỉ vài ngày sau khi mắc bệnh là khỏi. Nhất là người Việt Nam. Tuy nhiên, những con số tử vong do bệnh mỗi năm đã nói lên tất cả.
Tiêm vắc-xin cúm là việc chúng ta nên ưu tiên lúc này. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), tiêm vắc-xin cúm là việc chúng ta nên ưu tiên lúc này để tăng cường miễn dịch, cơ thể tăng đề kháng, bảo vệ sức khỏe mùa đông.
7 tín hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có khối u ác tính
Vì sao phải tiêm vắc-xin cúm đều mỗi năm, nhất là vào thời điểm này? Chuyên gia lý giải, các chủng virus cúm liên tục biến đổi theo từng năm. Do đó, thành phần vắc-xin cúm cũng cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đối tượng nên tiêm, nhóm dễ gặp biến chứng nguy hiểm khi nhiễm cúm hoặc thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh, cần ưu tiên tiêm phòng.
5 nhóm người cần tiêm vắc-xin cúm ngay thời điểm này
Nhóm đối tượng đầu tiên là trẻ em 6 tháng - 59 tháng tuổi và người trên 60 tuổi. Hệ miễn dịch của 2 nhóm đối tượng này thường kém hơn so với người trưởng thành khỏe mạnh nên dễ mắc cúm và có nguy cơ biến chứng cao.
Một số nhóm người chắc chắn nên tiêm phòng cúm, bạn liệu có nằm trong đó? (Ảnh minh họa: Internet)
Phụ nữ có kế hoạch mang thai trong mùa cúm cũng nên tiêm vắc-xin. Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ mà còn giúp tạo miễn dịch thụ động cho thai nhi trong những tháng đầu đời.
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh mãn tính như bệnh đường hô hấp, tim mạch, suy giảm chức năng gan, thận, bệnh chuyển hóa (bao gồm cả bệnh tiểu đường), bệnh ức chế miễn dịch và suy giảm miễn dịch cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nhóm đối tượng này cần tiêm vắc-xin cúm do sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm nếu không may nhiễm virus cúm.
Cuối cùng, nhóm người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh cũng cần được quan tâm tiêm phòng. Nhóm này bao gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng và các cơ sở chăm sóc bệnh mãn tính khác; thành viên gia đình và người chăm sóc trẻ em dưới 6 tháng tuổi; thành viên gia đình và người chăm sóc người cao tuổi trên 60 tuổi...
Ngoài tiêm vắc-xin cúm, chuyên gia nhắc mọi người làm những việc sau để phòng ngừa cúm hiệu quả
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người ốm hoặc trước khi ăn.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch giúp ngăn chặn bệnh cúm. (Ảnh minh họa: Internet)
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng nếu chưa rửa tay.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị cúm hoặc các triệu chứng cảm lạnh.
- Khi bị ốm, hạn chế tiếp xúc với người khác để ngăn chặn lây lan.
- Thực hiện vệ sinh môi trường sống và làm việc, lau chùi các bề mặt thường xuyên tiếp xúc.
- Sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và vứt bỏ chúng một cách an toàn.
- Duy trì một thói quen ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc để tăng cường miễn dịch.
- Tránh thói quen hút thuốc lá vì nó có thể làm suy giảm hệ hô hấp và tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Nếu bạn có hút thuốc thì nên tìm đến những biện pháp để cai thuốc, có thể tìm sự hỗ trợ của nhóm trợ giúp.