Theo Sohu, ngày 8/12, gia quyến nữ sĩ Quỳnh Dao đưa thi hài bà đi an táng. Con trai Trần Trung Duy, con dâu Hà Tú Quỳnh, hai cháu gái tổ chức tang lễ riêng tư, dành khoảng 30 phút cho mọi người tới phúng viếng, trước khi di quan. Quỳnh Dao được an táng trên núi Dương Minh Sơn. Dân làng nơi ở cũ của Quỳnh Dao tại Đài Bắc để tang bà, trong khi họ hàng xa tổ chức lễ tưởng niệm cho Quỳnh Dao ở quê nhà Hồ Nam.
Theo Sohu, trong số nhiều người tới viếng Quỳnh Dao hoặc gửi lời chia buồn trên mạng xã hội, các con ông Bình Hâm Đào - bao gồm Bình Vân, Bình Hành và Bình Oánh - không có bất cứ động tĩnh nào. Thậm chí Crown Culture (công ty văn hóa Hoàng Quan) do ông Bình Hâm Đào thành lập, hiện do ba con điều hành - là công ty từng nhiều năm làm việc với Quỳnh Dao để in ấn, phát hành các tác phẩm văn chương nổi tiếng của bà - không gửi hoa phúng viếng, không đăng lời chia buồn hay nói lời tiễn biệt. Tờ Sohu viết "như thể cái chết của Quỳnh Dao không liên quan gì đến họ". Các bình luận trên Sohu rất trái chiều, một số cho rằng "Họ chỉ đáp trả thay cho mẹ của họ", "Họ đã hận bà ấy nhiều năm"... Số khác nói "Crown Culture sẽ không thể nào phát triển như vậy nếu không có Quỳnh Dao, làm vậy là vô ơn... ".
Truyền thông Đài Loan cho hay, ngày 6/12, họ đã gọi điện cho con trai của ông Bình Hâm Đào là Bình Vân - giám đốc tập đoàn Crown - để hỏi tin tức về sự ra đi của Quỳnh Dao. Tuy nhiên, đầu dây bên kia từ chối chia sẻ bất cứ thông tin nào.
Ông Bình Hâm Đào (khi còn sống) và ba người con. Ảnh: Weibo
Nhiều bình luận trên Weibo nói đây là kết quả mối hận thù giữa các con riêng của ông Bình Hâm Đào và Quỳnh Dao. Đối với ba người con, Quỳnh Dao là người phụ nữ đã phá vỡ gia đình yên ấm của ông Bình và vợ đầu, Lâm Uyển Trân, khiến mẹ của họ một thời chịu nhiều đau khổ.
Trước đó, năm 2017, khi ông Bình Hâm Đào bệnh nặng, nằm liệt giường, giữa ba con của ông và Quỳnh Dao từng xảy ra khẩu chiến căng thẳng, liên quan đến việc điều trị của ông Bình. Không hài lòng với phương án của các con riêng của chồng, Quỳnh Dao viết cuốn Trước khi bông tuyết rơi: Bài học cuối cùng trong đời, gửi cho nhà xuất bản Thiên Hạ in, đánh dấu việc không hợp tác với Hoàng Quan. Đồng thời, bà chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, gây ra ồn ào.
Ba người con lập tức chĩa mũi nhọn về Quỳnh Dao, nói bà cướp chồng, phá nát hạnh phúc của một gia đình để xây hạnh phúc cho riêng mình. Người con trai lớn, Bình Vân, nói "Người ngoài không thể hiểu được cảm xúc của chúng tôi, nhưng ba anh chị em chưa bao giờ quên tất cả những chuyện đã xảy ra với mẹ tôi". Anh nhấn mạnh: "Nếu một mối quan hệ dựa trên việc làm tổn thương người khác, chà đạp lên sự hy sinh của người phụ nữ thì tình yêu như vậy dù có vĩ đại đến đâu cũng không đáng để khoe khoang và ca ngợi".
Trước sự phản kích này, với giọng cay đắng, Quỳnh Dao thừa nhận mình làm sai rất nhiều. Bà viết trên mạng xã hội: "Nhẽ ra tôi không nên xuất bản "Bên ngoài cửa sổ" năm 1963 cho bố cậu, không nên chấp nhận sự sắp đặt của bố cậu để về sống gần nhà cậu, không nên đưa chuyện gia đình lên báo chí". Bà cay đắng viết: "Tóm lại tôi đã sai rồi. Tôi đã sai, tôi xin lỗi ba người, lẽ ra tôi không nên biết cha của các cô cậu, cũng không nên viết ra những lời khiến các cô cậu không hài lòng".
Quỳnh Dao và chồng, ông Bình Hâm Đào. Ảnh: Weibo
Người vợ đầu của ông Bình Hâm Đào
Năm 2018, giữa cuộc chiến căng thẳng của con và "mẹ kế" Quỳnh Dao, bà Lâm Uyển Trân từng ra mắt cuốn sách Quá khứ, chia sẻ những nỗi đau giấu kín. Bà kể nội tình cuộc ly hôn năm đó: "Ngày ký đơn ly hôn, ông Bình nói với tôi: 'Em mạnh mẽ, còn cô ấy (Quỳnh Dao) yếu đuối quá'. Tôi thực sự không biết phải trả lời thế nào sau khi nghe điều này. Tôi mạnh mẽ nên có thể để anh dùng dao đâm tôi. Cô ấy yếu đuối, vì vậy, nếu anh không chăm sóc cô ấy, cô ấy sẽ không sống nổi sao?".
Trong cuốn sách, bà Lâm chia sẻ kinh nghiệm sống, nhắc nhở những phụ nữ trẻ đừng giới hạn cuộc sống của mình trong tình cảm và gia đình, nên nhìn rộng lớn hơn.
Theo Sohu, sau khi ly hôn ông Bình, ở tuổi 40, Lâm Uyển Trân đưa con về bố mẹ đẻ sống. Bà kết hôn lần hai với một bác sĩ hơn mình 12 tuổi. Những năm sau này, bà làm việc trong lĩnh vực hội họa và trở thành một họa sĩ rất nổi tiếng. Ở tuổi 94, bà vẫn khỏe mạnh.
Bà Lâm Uyển Trân và hai con gái. Ảnh: Weibo
Nhà văn Quỳnh Dao, tên thật Trần Triết, sinh ra ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Năm 1949, bà cùng cha mẹ sang Đài Loan, Trung Quốc và bắt đầu sự nghiệp viết văn từ khi còn học cấp hai. Năm 1955, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết Vân Ảnh với bút danh Tâm Như. Năm 1963, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Bên ngoài cửa sổ (Song ngoại) và trở nên nổi tiếng. Năm 1964, bà xuất bản tiểu thuyết Yên vũ mông mông và tập tiểu thuyết Lục cá mộng.
Nhiều tác phẩm của Quỳnh Dao từng được chuyển thể thành phim truyền hình, có thể kể đến Hoàn Châu Cách Cách, Xóm vắng, Trôi theo dòng đời, Dòng sông ly biệt, Mùa thu lá bay, Bên dòng nước...
Nhiều bộ truyện lãng mạn của Quỳnh Dao được bán rất chạy trong suốt 40 năm. Vô số tác phẩm của bà đã được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình, làm phong phú thêm tuổi trẻ của một thế hệ. Theo một số báo cáo, các tác phẩm văn chương của Quỳnh Dao đã mang về cho bà hàng trăm triệu USD, giúp hàng trăm người trở nên nổi tiếng.
Nữ sĩ Quỳnh Dao. Ảnh: Weibo
Quỳnh Dao trải qua ba mối tình, hai cuộc hôn nhân. Mối tình đầu tiên của bà là với một giáo viên nhưng bị mẹ cấm cản. Sau đó, bà gặp và kết hôn với một doanh nhân chỉ sau 7 tháng tìm hiểu. Hai người lấy nhau năm 1959, có một con trai và ly hôn năm 1964.
Nhà văn Quỳnh Dao qua đời ngày 4/12, thọ 86 tuổi. Bà tìm đến cái chết với mong muốn không trải qua những ngày cuối đời trên giường bệnh. Theo truyền thông Đài Loan, Quỳnh Dao đã ăn tối với gia đình vào đêm trước khi bà qua đời và nói với con dâu "trưa mai đến nhà tìm mẹ". Vào ngày bà qua đời, khi về đến nhà, con dâu phát hiện ra Quỳnh Dao đã yên bình ra đi trên ghế sofa.
Một bình luận trên Weibo viết ngày 4/12: "Kim Dung khiến chúng ta hiểu thế nào là hiệp nghĩa, Quỳnh Dao khiến chúng ta biết thế nào là tình yêu. Nhưng giờ đây họ đều đã cách xa chúng ta, mọi thứ đã trở thành ký ức đẹp đẽ".
Nguyễn Hương (Theo Sohu)