Azzedine Alaïa mùa thu 1991: Nhắc đến họa tiết da báo, không thể không nhắc đến Azzedine Alaïa với bộ sưu tập siêu sexy và đầy ám ảnh. Cho đến nay, họa tiết này vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nhà thiết kế trên thế giới. Marc Jacobs với bộ sưu tập phong cách grunge: Năm 1993, Marc ra mắt bộ sưu tập xuân cho hãng Perry Ellis và ngay lập tức gây nhiều tranh cãi. Nhà phê bình thời trang Suzy Menkes từng thốt lên "Grunge thật kinh khủng". Quả thực, sau bộ sưu tập này, Marc bị sa thải. Tuy nhiên, chính biến cố này lại đưa Marc đến với Louis Vuitton và thành lập thương hiệu riêng. Anh vẫn duy trì phong cách thiết kế này trong suốt sự nghiệp của mình. John Galliano 1994: Khoảng đầu năm 1994, John Galliano từng không có một đồng xu dính túi và phải ngủ dưới nền nhà căn hộ của người bạn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn hào phóng, John vẫn tổ chức thành công show mùa thu. Một năm sau, nhà thiết kế sinh năm 1960 được Givenchy chiêu mộ và trở thành người Anh đầu tiên chèo lái một thương hiệu cao cấp nước Pháp. Chanel 1994: Ngay từ thập niên 90, Karl Lagerfeld đã chứng minh thời trang không chỉ đơn thuần nhìn như thế nào, mà còn là thái độ của mỗi người. Gucci 1995: Đây không phải bộ sưu tập đầu tiên Tom Ford trình làng trên cương vị giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang danh tiếng Italy, nhưng nó đánh dấu sự vụt sáng trở lại của Gucci sau thời gian dài "ngủ quên". Sang trọng, gợi cảm chính là hướng đi mới Tom Ford vạch ra. Alexander McQueen xuân 1997: Từ cuối thập niên 90, Alexander McQueen đã tạo nên nhiều show diễn ấn tượng. Trong số đó không thể không kể đến show The Doll năm 1997 - nơi các người mẫu bước đi trên sàn catwalk ngập nước. Hình ảnh khiến giới mộ điệu nhớ nhất là Kate Moss xuất hiện với chiếc quần cạp trễ. Comme des Garçons xuân 1997: Với NTK Nhật Bản Rei Kawakubo, những quy tắc thời trang thông thường luôn khiến bà thấy nhàm chán. Bộ sưu tập mang tên Body Meets Dress, Dress Meets Body trình làng năm 1997 đã làm thay đổi quan niệm về cái đẹp trong thiết kế. Kawakubo từng chia sẻ trên tạp chí Vogue: "Nếu chúng ta không mạo hiểm, liệu chúng ta sẽ đi về đâu?". Dior 1998: Lộng lẫy, xa hoa là những gì khán giả nhớ về show thời trang cao cấp năm 1998 của Christian Dior, khi John Galliano mới tiếp quản vị trí giám đốc sáng tạo. Alexander McQueen xuân 1999: Đây không chỉ đơn thuần là show diễn thời trang, mà là màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao. Họa tiết trang phục được phun trực tiếp từ hai con rô bốt trên sân khấu. Yohji Yamamoto xuân 1999: Yohji Yamamoto là nhà thiết kế Nhật Bản có sức ảnh hưởng nhất đối với làng thời trang quốc tế. Cuối thập niên 90, ông trình làng hai bộ sưu tập chủ đề váy cưới, để lại cảm xúc mạnh mẽ. Với quan niệm "đằng sau chiếc váy cưới phải có những câu chuyện thú vị", cô dâu của Yamamoto thay trang phục ngay trên sàn diễn. Viktor & Rolf thu 1999: Thời kỳ cuối những năm 90, thời trang cao cấp không chỉ được coi như "phòng thí nghiệm sáng tạo", mà còn là công cụ marketing hữu hiệu. Bộ đôi nhà thiết kế Hà Lan - Rolf Snoeren và Viktor Horsting - đã chớp cơ hội này ra mắt bộ sưu tập mùa thu năm 1999. Hình ảnh người mẫu Maggie Rizer đứng trên chiếc bàn xoay với nhiều tầng lớp quần áo thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới. André Leon Talley, cựu biên tập viên của tạp chí Vogue, từng ví bộ sưu tập này là "Viagra của tuần lễ thời trang cao cấp".