Chỉ cần nhập cụm từ khóa “mối quan hệ con người” lên thanh tìm kiếm của Google, chúng ta có thể nhanh chóng nhận về hơn 63,4 triệu kết quả trong chưa đầy 1 giây. “Mối quan hệ con người” ấy bao hàm mối quan hệ gia đình, bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay thậm chí là những con người chúng ta vừa có dịp vô tình lướt qua trên con đường xuôi ngược sáng nay.
Rõ ràng, trên khắp địa cầu hơn 7 tỷ người này, chẳng ai cô đơn lẻ bóng một mình mà không có một mối quan hệ nào với những người xung quanh. Đặc biệt, trong công việc, nhất là nơi công sở, nơi có rất nhiều kiểu người khác nhau cùng tề tựu, mối quan hệ và cung cách ứng xử hàng ngày càng là thứ được quan tâm, chú ý gấp bội. Vậy làm cách nào để có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt cũng như đâu là kim chỉ nam cho cung cách ứng xử hàng ngày giữa người với người?
Cách đây chưa lâu, mạng xã hội được phen sục sôi, chuyền tay nhau bức ảnh chụp lại một mảnh giấy chứa đựng 55 từ khóa với nội dung xoay quanh “Khoá học ngắn về mối quan hệ con người”. Chỉ với 55 từ khóa này, nếu biết áp dụng một cách linh hoạt và đúng cách, chúng ta có thể thành công trong mọi mối quan hệ cũng như đạt được hiệu quả không ngờ trong cung cách giao tiếp hàng ngày. Cụ thể, tờ giấy này viết:
“Sáu chữ quan trọng nhất – Tôi thừa nhận mình đã sai”: Cuộc đời vốn dài rộng nên chẳng ai đi hết quãng đường đời mà chưa một lần phạm phải sai làm. Hơn nữa, biết mình sai và thừa nhận bản thân đã lại càng không phải là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, “biết sai mà sửa” vốn là cái dũng của người quân tử chân chính. Do đó, trong mọi mối quan hệ cũng như giao tiếp, đừng ngần ngại dẹp bỏ mọi sỉ diện ngăn trở chúng ta trong công cuộc trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình.
“Năm chữ quan trọng nhất – Bạn đã làm tốt lắm”: Ông bà ta xưa vẫn thường hay nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật vậy, một lời khen ngợi cũng như khích lệ được nói ra đúng lúc chính là món quà vô cùng quý báu khiến người được nhận nhớ mãi chẳng quên. Đối với những chị em công sở đã và đang làm sếp, việc biết khen ngợi cũng là cách để khích lệ tinh thần và truyền cảm hứng, giúp nhân viên cấp dưới có thêm động lực để làm việc và cống hiến cho tổ chức.
“Bốn chữ quan trọng nhất – Bạn nghĩ thế nào?”: Có một sự thật hiển nhiên mà không phải ai làm sếp cũng tường tận đó chính là, nhân viên cấp dưới thật sự chẳng muốn làm việc với một người lãnh đạo độc tài, chuyên quyền, bảo thủ, luôn cho rằng mình đúng. Nhân viên cấp dưới cần những cuộc đối thoại bình đẳng, cởi mở bởi đó không chỉ là cơ hội để họ thể hiện quan điểm mà thông qua đó còn học hỏi từ sếp của mình. Do đó, nếu đang làm sếp, hoặc đơn giản chỉ là giao tiếp với đồng nghiệp hàng ngày, đừng ngần ngại hỏi suy nghĩ của họ về vấn đề đang được tranh luận.
“Ba chữ quan trọng nhất – Xin vui lòng,…”: Nếu muốn bắt đầu lời đề nghị một cách thanh lịch và chân thành nhất có thể, hãy bắt đầu bằng “Xin vui lòng,…”, dù đó là công việc mà đối phương bắt buộc phải làm. Câu mở đầu đầy khẩn thiết như vậy là cách để những vấn đề dù lớn cũng trở nên chẳng mấy to tác và người làm cũng cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện sự tôn trọng cũng như lịch sự của người nói.
“Hai chữ quan trọng nhất – Cảm ơn”: Dù cuộc sống có diễn tiến theo chiều hướng xấu đến mức độ nào đi chăng nữa thì trên môi chúng ta vẫn hãy cứ giữ một nụ cười tươi tắn cũng như đừng bao giờ quên nói lời “Cảm ơn”. Hai từ “Cảm ơn” tuy đơn giản nhưng nó chính là vũ khí vô cùng hữu hiệu khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, trao nhau những tình cảm chân thành và nồng thắm.
“Từ quan trọng nhất – Chúng ta”: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình nhưng nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Đoàn kết chính là sức mạnh khiến tập thể vượt qua giông bão, chinh phục những con sóng lớn. Làm việc cùng nhau khiến những khó khăn giảm đi một nửa và thành công đạt được cũng vẻ vang, rực rỡ hơn. Hãy cùng nhau tạo nên một tập thể “chúng ta” đầy vững mạnh.
“Từ ít quan trọng nhất – Tôi”: Ai cũng có một cái tôi, một cá tính và điều này sẽ định danh mỗi người chúng ta là ai. Tuy nhiên, chúng ta là ai có quá quan trọng không khi bản thân phải tách biệt và đứng một mình. Một khi đã sống trong tập thể và muốn xây dựng nó, hãy gạt bỏ bớt cái tôi của bản thân để hòa vào nhịp độ chung của mọi người. Một cái tôi quá lớn chỉ khiến chúng ta thu mình lại và chẳng học hỏi thêm được thứ gì đáng giá.