Mâm cỗ ngày Tết luôn mang ý nghĩa quan trọng đối với bất cứ gia đình Việt nào bởi đó xuất phát từ tấm lòng thành dâng lên kính tổ tiên. Theo quan niệm xưa, mâm cỗ phải đầy đủ 10 món bao gồm 5 bát và 5 đĩa, cũng có nơi là 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Nhiều gia đình khá giả còn xếp mâm cỗ theo tầng, đĩa trên, bát dưới.
Một điều quan trọng là bàn thờ phải được lau dọn sạch sẽ, cẩn thận và mang lại sự ấm cúng cũng như hòa khí trong ngôi nhà. Trong văn hóa người Việt, bàn thờ gia tiên đặt theo hướng chính ngôi nhà, thường là nơi trang trọng và hợp mệnh với gia chủ.
Từ lâu, những ngày đầu năm mới chính là khoảng thời gian để con cháu nhớ về nguồn cội, nơi mình sinh ra lớn lên và nhớ về những người đã khuất. Chính nguồn cảm hứng ấy đã hình thành nên tục lệ, nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết. Điều này thể hiện qua mâm cỗ cúng dâng kính tổ tiên vào ngày Tết Nguyên đán.
Trong khi mâm cơm ngày Tất niên (đêm 30 Tết) là để mời chư vị thánh thần, tổ tiên ăn cơm cùng con cháu, tạm biệt năm cũ thì mâm cỗ sáng mùng 1 Tết mục đích mời tổ tiên đón năm mới cùng gia đình. Từ đó, các món ăn cũng được chú trọng từ hình thức cho tới ý nghĩa bên trong để tỏ lòng thành của gia chủ với tổ tiên.
Không thể thiếu trên mâm cỗ là món giò chả tuy đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa to lớn - thể hiện lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên vào ngày đầu năm. Khoanh giò được đặt vào một chiếc đĩa vừa vặn, hoặc nhiều gia đình còn tỉa hoa để đĩa giò trông ấn tượng, bắt mắt hơn.
CÁC MÓN GIÒ CHẢ PHỔ BIẾN Ở MIỀN NAM
1. Giò bì ớt xiêm xanh
Giò bì trông giống với giò lụa (chả lụa) nhưng có thêm bì lợn bên trong, tạo hương vị có phần đậm đà hơn. Nguyên liệu tạo nên món giò bì ớt xiêm xanh gồm có giò sống, bì lợn cùng các gia vị như bột mì, tiêu, hành tím,... Sau khi xay, gói hỗn hợp đó vào lá chuối rồi đem đi hấp.
Ảnh: beecost.vn
Khi chín, chả bì có màu trắng hồng kèm theo màu trong trong của bì trên những lát cắt. Ăn chả bì, bạn sẽ cảm nhận vị ngọt của thịt heo cùng với sự giòn giòn sật sật của miếng bì và vị cay the the của miếng ớt xiêm. Không còn gì tuyệt vời hơn khi đãi khách ngày Tết với đĩa chả bì thơm ngon cay nồng hay biếu người thân, bạn bè trong dịp năm mới này.
Ảnh: Cooky
2. Pate bong bóng heo
Đây là món ăn vô cùng độc đáo xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tên gọi Pate bong bóng heo.
Ảnh: Đặc sản quê
Mặc dù gọi là pate nhưng không hề giống với loại pate mà chúng ta thường ăn phết vào bánh mì mà trông giống jambon hay thịt nguội hơn.
Nguyên liệu để làm món pate bong bóng heo bao gồm thịt heo, da heo, ít mỡ phần gáy heo và các gia vị cần thiết, đặc biệt cần chuẩn bị bong bóng heo. Việc sơ chế bong bóng heo rất quan trọng, sao cho không bị hôi. Bong bóng heo cần rửa thật sạch với muối, sau đó đổ rượu trắng cùng một chút gừng giã dập để ngâm, khi nào cần dùng thì lấy ra chà rửa sạch vài lần nữa rồi để ráo nước.
Ảnh: Điện máy xanh
Sau khi trộn các nguyên liệu lại với nhau, đợi thấm gia vị rồi cho vào bong bóng heo đã được rửa sạch. Tiếp đó, lấy kim chỉ may khâu lại, dùng tăm xăm nhiều lỗ vào bong bóng để nước chảy bớt ra ngoài. Hấp bong bóng heo trong vòng 3 phút, tránh để quá căng, bong bóng sẽ bị vỡ, nên dùng tăm xăm liên tục. Lưu ý hấp đến khi nước không còn màu hồng nữa thì pate đã chín.
Ngày nay, mâm cỗ cúng dịp Tết đã được tối giản hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các gia đình cũng thường làm mới các món ăn góp phần đa dạng và tăng thêm không khí đón xuân trong những ngày xuân. Dù vậy, trên mâm cỗ ngày Tết vẫn là những món ăn truyền thống, cơ bản với tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên. Đó là bánh chưng, bánh tét - sự hòa hợp giữa Trời và Đất, là khoanh giò miếng chả thể hiện sự đủ đầy, trọn vẹn. Hơn cả, đó là lời cầu chúc, niềm mong ước cho năm mới được an khang thịnh vượng, gặp nhiều thuận lợi.