Sự việc 5 nữ sinh của một trường THCS ở Hưng Yên đánh đập dã man bạn cùng lớp gây chấn động dư luận những ngày qua. Ngành giáo dục cũng đã vào cuộc xử lý các cá nhân liên quan, và thừa nhận sự việc là một “bài học cay đắng”.
Luôn có kẻ ác nhất và những "khán giả" đứng nhìn
Trước khi lên án mạnh mẽ bạo lực học đường, trên trang cá nhân, nhiều ca sĩ, diễn viên cũng chia sẻ về việc từng là nạn nhân của bạo lực học đường, và từng bị đánh hội đồng. Qua đó, để thấy, bạo lực học đường không phải là câu chuyện của riêng ai hay bây giờ mới có. Nhưng đã đến lúc cần phải có biện pháp nghiêm khắc, đủ mạnh mẽ để ngăn chặn.
Diva Mỹ Linh chia sẻ về việc chị từng là nạn nhân của '"đánh hội đồng".
“Hồi nhỏ mình từng là nạn nhân bị đánh hội đồng, ngày này qua tháng khác. Không phải vì mình kém, chẳng phải vì dốt hay chậm chạp mà lý do là mình không hòa nhập và không giống các bạn trong xóm”, diva Mỹ Linh chia sẻ trên trang cá nhân.
Nữ ca sĩ cho rằng việc đánh hội đồng đôi khi bắt nguồn từ việc trẻ con không có gì chơi, do vậy chúng “làm nhục người khác để mua vui”. Luôn có một đứa ác nhất làm thủ lĩnh, và cũng luôn có một số khán giả quen thuộc đứng nhìn, cổ vũ hoặc không phản ứng gì.
“Mình không bao giờ quên khi trẻ con nó bầy đàn và nó ác một cách vô thức thì tụi nó đáng sợ thế nào. Những đứa nó ác từ bé lớn lên nó cũng sẽ chọn cách sống như thế với đời”, nữ ca sĩ bày tỏ.
Bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến tính cách sau này
Trong khi đó, diễn viên Trà My cũng chia sẻ về việc từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Cô cho biết quá trình bị bạo lực của mình còn kéo dài từ cấp một đến cấp ba.
“Hồi đó có những lúc tôi sợ phải đến trường và lại phải đối mặt với những đứa bắt nạt mình ở đó. Bởi vì chẳng thà tôi làm sai cái gì đó, đằng này chúng nó đánh mình chỉ vì thích thế và có thể để ra oai với mọi người rằng chúng nó là kẻ mạnh”, cô viết.
Trà My cho rằng việc bị đánh đập, bắt nạt ảnh hưởng nhiều đến tính cách của cô.
Trà My nhớ lại rằng không chỉ cô bị bắt nạt, có lần em họ của cô đứng ra bảo vệ chị cũng bị đánh oan.
Nữ diễn viên chia sẻ rằng những trận đòn đã khiến cô từ một người cởi mở và vui vẻ trở thành một người luôn có những nỗi tức giận bên trong.
“Tôi nghiệm ra quãng thời gian đó ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của tôi sau này. Tôi bị khó khăn khi giao tiếp với mọi người, không có bạn thân", nữ diễn viên bày tỏ.
Trà My cũng cho biết những câu chuyện của quá khứ khiến cô luôn giữ bên trong sự tức giận khi bị ai đó hiểu lầm. Và cô luôn có xu hướng giải quyết bằng việc dùng vũ lực với người khác.
“Tôi nhận thấy mình rất hay đánh người khác khi bị người ta hiểu nhầm hoặc bị chèn ép quá mức thay vì giải thích một cách rõ ràng và nhẹ nhàng”, nữ chính Thương nhớ ở ai viết.
Về những bạn học “côn đồ” năm xưa, Trà My nhấn mạnh: “Có đứa thậm chí đã đi tù. Sau này, tôi mới biết về gia cảnh mấy đứa trong đó, thì hầu như cha mẹ chúng đều không quan tâm đến”.
Trẻ em cần trang bị kiến thức để lên tiếng
Không chỉ nghệ sĩ Việt, ca sĩ Hari Won, xuất thân Hàn Quốc trong một lễ phát động mới đây cũng tâm sự về việc từng bị đe dọa ở học đường.
“Thời còn đi học, có một bạn nói với Hari rằng: 'Học xong ra sau trường nhé". Đó có lẽ là câu nói mà tôi cũng như nhiều bạn hoc sinh khác sợ khủng khiếp. Có lần, sợ quá nên đành chọn cách trốn học, cô giáo hỏi lý do thì không dám trả lời thật, mà chỉ dám nói dối là 'Em sức khỏe không tốt'. Trong những lần đó, có lần bị bố phát hiện, dù rất sợ nhưng tôi cũng đành khai thật với bố là sợ bị bạn đánh", nữ ca sĩ nhớ lại.
Hari Won cho rằng nên dạy trẻ cách bảo vệ mình.
Bà xã Trấn Thành cho biết sau đó nhờ bố mẹ cùng cô giáo vỗ về, động viên, cô đã dần vượt qua sự sợ hãi của mình. Và, những lần sau đó, khi bị bạn đe dọa, cô luôn “mách” cô giáo.
"Qua đó, Hari mong muốn, trẻ em cần được trang bị những kiến thức để lên tiếng khi bị bạo lực, bên cạnh đó thầy cô, gia đình cũng cần quan tâm con của mình nhiều hơn", cô nói.
Theo Zing